Kỳ họp bất thường lần thứ Năm

Tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn

- Thứ Năm, 18/01/2024, 11:54 - Chia sẻ

Đánh giá cao ý nghĩa của Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định, các nội dung được quyết định, thông qua tại Kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những "điểm nghẽn" còn tồn đọng trong việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 nói riêng và của cả nhiệm kỳ nói chung. 

- Trong 3 ngày, từ ngày 15 - 18.1, Quốc hội tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để quyết định 4 nội dung quan trọng. Ông đánh giá như thế nào về các nội dung được quyết nghị, thông qua tại Kỳ họp này?

- Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội khóa XV diễn ra trong những ngày đầu năm mới 2024 - một năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp đã thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước, tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo.

Việc quyết nghị 4 nội dung quan trọng, bao gồm Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn; ngay những tháng đầu năm cũng cho thấy Quốc hội đề cao ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của những vấn đề trên. Cả 4 nội dung được thông qua, điều chỉnh sẽ tạo động lực, thể chế tốt để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, tháo gỡ khó khăn, tăng hiệu quả của đầu tư công; đẩy nhanh giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo hệ thống tăng trưởng tín dụng hoạt động lành mạnh, hiệu quả hơn.

Đúng như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nói, những phiên họp bất thường, những quyết sách tức thời, thần tốc... đã thành chuyện thường tại nghị trường. Kỳ họp này thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Quốc hội đối với sự phát triển đất nước và hướng đến mục tiêu cao nhất là lợi ích của cử tri, Nhân dân.

Kỳ họp bất thường lần thứ Năm: Tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn -0
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong

- Diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, với khối lượng công việc rất lớn và đặc biệt quan trọng nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, những "nút thắt" về thể chế, những "điểm nghẽn" còn tồn đọng. Ông quan tâm đến nội dung nào nhất trong 4 nội dung trên?

- Cả 4 nội dung được quyết định trong Kỳ họp bất thường lần thứ Năm đều vô cùng quan trọng và cấp thiết. Nhưng từ góc độ cá nhân tôi, Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn là nội dung quan trọng được quan tâm nhất. Luật Đất đai có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là luật rất khó và phức tạp. Phải khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai là một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng bậc nhất của Quốc hội Khóa XV.

- Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua sáng nay sẽ tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện về đất đai, từ đó giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực đất đai, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản. Từ góc nhìn của chuyên gia, ông kỳ vọng gì về luật này?

- Luật Đất đai (sửa đổi) dành được nhiều sự quan tâm từ các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, đông đảo các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp cho đến người dân; kỳ vọng Luật khi ban hành sẽ trở thành đạo luật chất lượng, có bước đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến cơ chế dịch chuyển đất đai và tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho các ngành xây dựng, bất động sản… Bởi vậy, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm sau thời gian dài tiếp thu ý kiến chỉnh sửa, bổ sung của các bộ, ngành, địa phương và cử tri mang ý nghĩa then chốt trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đây là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu kế hoạch của cả nhiệm kỳ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cuộc sống. Đồng thời, thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội trong việc giải quyết các vướng mắc pháp lý, để phục hồi phát triển thị trường đất đai nói chung, bất động sản nói riêng theo hướng minh bạch, bền vững.

-  Xin cảm ơn ông!

Trang Nhung thực hiện
#