Tại tỉnh Lạng Sơn, điểm bán hàng Việt Nam của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Phú (địa chỉ 472 đường Bà Triệu, phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn) được Sở Công Thương lựa chọn thực hiện theo nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững thuộc danh mục của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Điểm bán hàng Việt Nam tại đây thực hiện trưng bày, bán ra thị trường các mặt hàng do các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất và cung ứng.
Ngoài ra, điểm bán hàng này còn trưng bày, giới thiệu và bán một số sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn. Đây là điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên của tỉnh được Sở Công Thương đưa vào hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng tỉnh Lạng Sơn. Được biết, thời gian tới, Sở Công Thương Lạng Sơn tiếp tục mở thêm một số điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố và trung tâm các huyện của tỉnh.
Tại tỉnh Phú Thọ, Sở Công Thương và huyện Thanh Thủy đã khảo sát, xây dựng thành công điểm bán hàng Việt Nam tại hộ kinh doanh Trần Thị Hậu, ở khu Phố, thị trấn Thanh Thủy. Qua ghi nhận cho thấy, điểm bán hàng Việt Nam có quy mô rộng rãi, văn minh lịch sự, hàng hóa phong phú có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá sản phẩm được niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết.
Điểm bán hàng Việt tại huyện Thanh Thủy cũng cam kết không chạy theo lợi nhuận để nhập bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và cam kết hàng hóa bày bán được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm.
Đánh giá về vai trò của điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đại diện phòng quản lý thương mại - Sở Công Thương Phú Thọ cho biết, cửa hàng được lựa chọn xây dựng điểm bán hàng Việt phải thực hiện cam kết duy trì điểm bán sau khi được hỗ trợ ít nhất là 5 năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa, nguồn gốc sản xuất trong nước đến phương thức kinh doanh hiện đại, văn minh.
Ngoài ra, điểm bán hàng Việt còn sử dụng hình thức thanh toán đa dạng, không cố định sử dụng tiền mặt, tạo sự tiện lợi cho khách hàng. Đặc biệt vào các dịp cao điểm lễ, Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến, Sở Công Thương đều chỉ đạo Điểm bán hàng Việt Nam tham gia chương trình bán hàng bình ổn thị trường, không để thị trường xảy ra khan hiếm hàng hóa cục bộ để người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá thành hợp lý nhất.
Thời gian tới, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tiếp tục nhân rộng các điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các huyện, thành, thị để giới thiệu quảng bá các sản phẩm địa phương, thương hiệu hàng Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để Điểm bán hàng Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở có các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong tỉnh, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và khách du lịch một cách thuận lợi và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Sự ra đời của điểm bán hàng Việt Nam đã góp phần khắc phục được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn bày bán trên thị trường nhất là ở các khu vực nông thôn, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng hóa và tạo được niềm tin, sự yên tâm khi mua sắm; từ đó tạo hiệu ứng tích cực, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.