Xây dựng môi trường đầu tư công khai, minh bạch

- Thứ Hai, 26/06/2023, 05:41 - Chia sẻ

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, kế hoạch thu hút đầu tư năm 2023 của tỉnh sẽ có những điều chỉnh hướng vào các lĩnh vực trọng tâm trên cơ sở xác định lĩnh vực mũi nhọn, lợi thế của địa phương, góp phần nâng cao nguồn thu của tỉnh.

Cấp phép đầu tư 9 dự án với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng

Trong 10 năm qua (giai đoạn 2013 - 2022), tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hút được 87 dự án, với tổng vốn đăng ký là 2.750 triệu USD, chiếm 74% về lượng và chiếm 63% vốn thu hút cả giai đoạn.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô dần trở thành trọng điểm thu hút đầu tư phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế Ảnh: ITN
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô dần trở thành trọng điểm thu hút đầu tư phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn: ITN

Trong đó, nổi bật là dự án Laguna Lăng Cô (Singapore) đã tăng vốn đầu tư từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD; Công ty TNHH Bia Carlberg Việt Nam 107,7 triệu USD; dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn thị xã Hương Thủy với vốn đầu tư đăng ký 74,5 triệu USD, dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall Huế (Nhật Bản) với vốn đăng ký 169,67 triệu USD, dự án Nhà máy Kanglongda (Trung Quốc) với vốn đầu tư đăng ký 206,99 triệu USD và một số dự án lớn khác đã và đang trong quá trình triển khai xây dựng theo tiến độ cam kết sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tất cả các dự án đầu tư nước ngoài đã đóng góp khoảng 12% GRDP, chiếm trên 25%/năm tổng thu ngân sách địa phương, trong đó Công ty TNHH Bia Carlberg Việt Nam (Đan Mạch) bình quân hàng năm nộp ngân sách 2.300 - 3.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20 - 25%/năm cho tổng thu ngân sách địa phương, trên 65 - 70% khối doanh nghiệp nước ngoài; khu vực FDI đã giải quyết việc làm cho hơn 24.500 lao động trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu thống kê tháng 5.2023 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, tốc độ tăng trưởng GRDP quý I.2023 của tỉnh ước đạt 6,61%, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước 3,32%, đứng thứ 2/5 tỉnh/thành phố Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và đứng thứ 8/14 tỉnh/thành phố Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; dự báo GRDP quý II tiếp tục có tốc độ tăng trưởng khá, ước đạt 7,5 - 8,5%.

Báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp mới 9 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.038 tỷ đồng (trong đó 5 dự án FDI với vốn đăng ký 28,5 triệu USD).

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo, tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các giải pháp hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư.

Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn; hướng đến xây dựng hệ thống đối tác kết nối đầu tư thông qua các đối tác của các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng; các đại diện xúc tiến đầu tư của tỉnh tại các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, để bảo đảm chuyển đổi phát triển năng lượng xanh, sạch nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, tỉnh cũng ưu tiên kêu gọi đầu tư các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện khí… để phát triển các nguồn năng lượng sạch, tái tạo hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án ngành nông nghiệp với mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản. Việc cân đối cung cầu các dự án nhà ở để kêu gọi đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhiều tầng lớp nhân dân, người lao động cũng được định hướng rõ ràng hơn.

Đối với địa bàn ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu thu hút được 30 - 35 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng. Với địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phấn đấu thu hút 13 - 15 dự án với vốn đầu tư đăng ký khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện của các dự án khoảng 4.000 tỷ đồng; nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN Phú Bài giai đoạn III và IV khoảng 25%, KCN Phong Điền bình quân đạt khoảng 35%, các KCN còn lại trên 30%.

Với điều kiện cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, sự quan tâm ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương và những chính sách thu hút của địa phương, Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài đến đầu tư kinh doanh tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.

Văn Anh