XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN MỚI

Phấn đấu đón khoảng 3 - 3,5 triệu lượt khách trong năm 2023

- Thứ Hai, 26/06/2023, 05:35 - Chia sẻ

Triển khai các hoạt động phục hồi, kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành du lịch đã tập trung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu mang tính đặc trưng, có tính trọng tâm để kích cầu du lịch trong và ngoài nước.

Tổng thu từ du lịch đạt gần 3.000 tỷ

Thống kê cho thấy, tháng 5.2023 lượng khách du lịch tăng 1,3% so với tháng trước, tăng gần 95% so với cùng kỳ, doanh thu từ du lịch ước đạt 690 tỷ đồng, tăng hơn 91% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, tổng thu từ du lịch ước đạt 2.942 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ.

Lễ kỷ niệm 30 năm quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới Ảnh: ITN
Lễ kỷ niệm 30 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Nguồn: ITN

Đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết triển khai các hoạt động phục hồi, kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh, ngành du lịch đã tập trung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu mang tính đặc trưng, có tính trọng tâm để kích cầu du lịch trong và ngoài nước như: triển khai định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường: sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi gắn với thiên nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá...; xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái là sản phẩm OCOP.

Sở Du lịch đã tập trung triển khai hiệu quả và quảng bá các lễ hội, sự kiện cho Festival 4 mùa, góp phần tạo sự thường xuyên, liên tục các sản phẩm của Huế, đặc biệt lưu ý công tác tuyên truyền, quảng bá hợp lý cho khách du lịch quốc tế. Nghiên cứu đề xuất khai thác các loại hình dịch vụ du lịch dọc hai bờ sông Hương. Mở cửa Đại nội về đêm; tăng các sản phẩm, dịch vụ trong các điểm di tích. Đưa vào khai thác phố đêm Hoàng thành vào tháng 4.2022; sản phẩm Hop On - Hop Off; dịch vụ xe đạp công cộng, xe đạp thông minh (các điểm: Tòa Khâm, Nghênh Lương Đình, Eo Bầu,…).

Ngoài ra, triển khai các sản phẩm du lịch mới các địa phương như ở khu vực cầu Ngói, Vân Thê; các điểm du lịch suối thác,… Xây dựng chương trình tour roadshow mở rộng khai thác thị trường khách Thái Lan đến Huế qua đường hàng không Thai Vietjet. Phối hợp với Công ty Vietsoftpro triển khai các ứng dụng về dịch vụ du lịch thông minh bước đầu thí điểm hệ thống xe đạp thông minh tại Làng cổ Phước Tích và một số khu vực trên địa bàn thành phố Huế. Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức thử nghiệm tour khép kín sử dụng phương tiện xanh thân thiện môi trường: trải nghiệm áo dài trên xe xích lô và xe điện tham quan trải nghiệm bối cảnh phim trường ở thành phố Huế. Đưa vào khai thác sản phẩm Phố đêm khu vực Hoàng thành Huế tạo sản phẩm du lịch về đêm.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Năm 2023, ngành du lịch Thừa Thiên Huế tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu đón khoảng 3 - 3,5 triệu lượt, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 70 - 80%; tổng thu từ du lịch khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng.

Trọng tâm năm 2023 là phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao với các sản phẩm mới, đặc thù để tạo sự khác biệt với các tỉnh, thành phố khác bên cạnh sản phẩm văn hóa - di sản, đó là: du lịch chăm sóc sức khỏe, tâm linh, nông thôn, một số lễ hội có tính thu hút khách cao (Lễ hội khinh khí cầu, ẩm thực, thể thao, âm nhạc,...).

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch, nhất là giải pháp về công nghệ số, chiến lược truyền thông quảng bá du lịch; các chương trình kích cầu du lịch (có chính sách ưu đãi các đoàn MICE, các đoàn tour bay theo tuyến charter mới). Xúc tiến đẩy nhanh tiến độ đầu tư và khởi công mới các dự án hạ tầng kết nối các điểm du lịch; đầu tư phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp, khu dịch vụ đa chức năng.

Khai thác các đường bay mới từ các thị trường du lịch tiềm năng và kết nối các hãng lữ hành lớn nhằm triển khai các chương trình tour mới đến miền Trung với đích chính là Thừa Thiên Huế...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngành du lịch cần xây dựng thương hiệu điểm đến trên cơ sở phát huy thế mạnh khác biệt về ẩm thực, đầm phá, di sản; nghiên cứu xây dựng, khai thác các sản phẩm, dịch vụ xoay quanh thương hiệu đặc trưng của địa phương như: “Huế - thành phố Lễ hội”; “Huế - Kinh đô ẩm thực”; “Huế - Kinh đô áo dài”... để có chiến lược quảng bá, khai thác, phát huy thế mạnh về du lịch Huế.

Văn Anh