Nghệ An

Nhiều chính sách ưu đãi được ban hành

- Thứ Sáu, 10/05/2024, 08:08 - Chia sẻ

Tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa chiếm từ 10 - 12% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp; có từ 20 - 30 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đóng trên địa bàn tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của các tập đoàn.

Không ít những thách thức

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương, song Nghệ An hiện nay vẫn đang yếu và thiếu về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng kịp thời cho các doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn. Thực tế cho thấy, hiện nay nhu cầu về nguyên phụ liệu, linh kiện phụ trợ là rất lớn, tuy nhiên, năng lực các nhà cung ứng trong nước chưa thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất nên đa phần nguyên vật liệu chúng tôi đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ bình quân đạt 12-13%/năm. Ảnh: ITN
Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ bình quân đạt 12 - 13%/năm. Nguồn: ITN

Theo Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, hiện toàn tỉnh có khoảng 81 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ, chiếm 5,58% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp. Trong đó, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa chiếm số lượng lớn với 72 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; nhưng chủ yếu là những đơn vị có quy mô nhỏ thuộc các ngành gia công cơ khí, sản xuất bao bì; chưa có lĩnh vực nào đủ lớn để đáp ứng nguồn cầu nguyên phụ liệu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. 

Đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp nội địa chiếm từ 10 - 12%

Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, song thời gian qua, theo UBND tỉnh Nghệ An, cùng với hàng loạt chính sách thúc đẩy, ưu đãi được ban hành, sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển nhanh chóng và đạt được những thành tựu nhất định, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh; giải quyết nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Cụ thể, thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghệ An đã thu hút được một số dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ quy mô vốn lớn đầu tư vào địa bàn tỉnh, chủ yếu là doanh nghiệp vốn FDI và đặt nền móng phát triển, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa một số lĩnh vực như điện tử, công nghệ thông tin, may mặc, cơ khí... Từ đó, bước đầu đã hình thành sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư FDI, đón sóng công nghiệp hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ bình quân đạt 12 - 13%/năm, chiếm trên 20% giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025 và tăng dần tỷ trọng trong những năm tiếp theo.

Đến năm 2025, phấn đấu số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa chiếm từ 10 - 12% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp; có từ 20 - 30 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đóng trên địa bàn tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của các tập đoàn.

Cụ thể, xây dựng từ 3 - 5 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp; thu hút đầu tư 1 - 2 cụm công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ. Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí lắp ráp, năng lượng đạt từ 30 - 35%; dệt may đạt trên 45%. 100% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh trên sàn thương mại điện tử vào 2030.

Thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực

Cũng trong giai đoạn đến năm 2025, tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ở một số lĩnh vực sản xuất gồm xơ, kéo sợi phục vụ cho ngành dệt đặc biệt là sợi tổng hợp; phát triển các nhà máy dệt vải đáp ứng nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh và cả nước; thu hút đầu tư các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt - may. Giai đoạn 2026 - 2030, tập trung phát triển các dự án sản xuất và cung cấp thiết bị, phụ tùng cơ khí để thay thế trong qua trình vận hành các nhà máy trên địa bàn tỉnh...

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp thực hiện gồm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển công nghiệp hỗ trợ; thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hỗ trợ; phát triển công nghệ, nâng cao năng lực quản lý chất lượng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; phát triển thị trường, kết nối cung cầu.

Sở Công Thương cũng được giao chủ trì, phối hợp thực hiện các chủ trương, định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ của Trung ương trong từng thời kỳ; tham mưu ban hành các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động kết nối công nghiệp hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Tâm Anh
#