TP. Hồ Chí Minh

Dự kiến hỗ trợ lãi suất cho 5 dự án

- Thứ Sáu, 10/05/2024, 08:31 - Chia sẻ

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh vừa có Tờ trình gửi UBND thành phố về kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ năm 2024.

Doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt

Nội dung Tờ trình cho biết, năm 2024, Sở Công Thương dự kiến tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất của thành phố đối với 5 dự án. Để được hỗ trợ lãi suất vay, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt được quy định tại Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

TP. Hồ Chí Minh dự kiến hỗ trợ lãi suất cho 5 dự án công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: ITN
TP. Hồ Chí Minh dự kiến hỗ trợ lãi suất cho 5 dự án công nghiệp hỗ trợ. Nguồn: ITN

Cụ thể, doanh nghiệp phải có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh; ngành nghề sản xuất phải thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Mức hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng đối với dự án có mức vay tối đa là 200 tỷ đồng, khi đó ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất tối đa 70% đối với phần đầu tư xây dựng công trình. Riêng đối với phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị (được tính toán phù hợp quy định) được hỗ trợ lãi suất tối đa 85%.

Theo đó, mức lãi suất được hỗ trợ tối đa không vượt quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng (trả lãi cuối kỳ) bình quân của 4 ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank); Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV); Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank); Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương (VietinBank), cộng thêm phí quản lý 2%/năm.

Cùng với hỗ trợ lãi suất, TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm tại triển lãm về công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ năm 2024. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ thêm việc đào tạo chuyển đổi số; đào tạo về hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; tập huấn nâng cao năng lực marketing cho doanh nghiệp…

Ngành công nghiệp hỗ trợ được TP. Hồ Chí Minh xác định là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mong muốn được hỗ trợ cơ chế vay vốn (hỗ trợ lãi suất và dùng tài sản thế chấp là máy móc thay vì nhà đất).

Nhiều giải pháp nâng cao lợi thế cạnh tranh 

Trong định hướng phát triển của TP. Hồ Chí Minh về công nghiệp, ngoài 4 ngành công nghiệp chủ lực, thành phố sẽ phát triển 5 ngành công nghiệp mới, gồm điện tử bán dẫn, công nghệ sinh học, dược, robotic tự động hóa và các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên phát triển, những năm gần đây, thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, có thể kể đến như thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố; thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Công Thương; cùng với một số giải pháp cụ thể khác như xây dựng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp...

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy mạnh vào Việt Nam thời gian gần đây, một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đầu tư sản xuất để tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Từ lực đẩy là các chương trình hỗ trợ của thành phố và thực tế kết nối với công nghệ sản xuất lẫn yêu cầu của nhà mua hàng, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư thay đổi công nghệ, trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho các tập đoàn lớn trong lẫn ngoài nước. Đơn cử, Công ty CP Sản xuất thiết bị điện Cát Vạn Lợi (Khu Công nghiệp Cơ khí ô tô TP. Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi) đã không ngừng đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị, nâng cao kỹ thuật của lực lượng lao động, trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn sản xuất lớn của Mỹ, Anh, châu Âu... Hay chuỗi cung ứng THACO Industries (Tập đoàn THACO) đang hoàn thiện công nghệ sản xuất, tập trung phát triển nhanh và đa dạng các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhiều hãng ô tô nổi tiếng như KIA, Mazda, Peugeot... Gần đây nhất, Công ty Cơ khí Duy Khanh đã đưa vào hoạt động Nhà máy Cơ khí chính xác Duy Khanh tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư hơn 180 tỷ đồng để nâng cao hơn nữa lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.

Phương Chi
#