Phạm vi có quá rộng?
Thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7.6.2022 của Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trực tiếp là CIEM) chủ trì xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (gọi tắt là Nghị định).
Việc xây dựng Nghị định nhằm sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ chặt chẽ, có cả tính động lực và an toàn cho phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn (chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp…) mà lãnh đạo cấp cao đã trao đổi và nhấn mạnh với các đối tác song phương và đa phương.
Tại Hội thảo tham vấn chuyên gia sáng 4.8, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương cho biết, dự thảo Nghị định đề xuất 4 lĩnh vực thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, bao gồm: Nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng vì các lĩnh vực này đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nước ta.
Ông Nguyễn Anh Dương xác nhận, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc rất kỹ. "Có ý kiến cho rằng phải đi vào lĩnh vực rất cụ thể song cũng có ý kiến cho rằng không nên phân ngành riêng mà nên căn cứ theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chọn 4 lĩnh vực này với mục đích tạo không gian đủ rộng cho doanh nghiệp đề xuất, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phù hợp. Nếu hẹp quá sẽ cản trở sự phát triển của khoa học công nghệ và kinh tế tuần hoàn”, đại diện CIEM chia sẻ.
Đáng chú ý, theo cơ quan soạn thảo, việc xác định 4 lĩnh vực thử nghiệm này đòi hỏi “cách hiểu và tư duy quản lý đối với các lĩnh vực tham gia cơ chế thử nghiệm không nên và không thể chỉ dựa vào tư duy quản lý ngành truyền thống”. Nguyên nhân là do các mô hình kinh tế tuần hoàn mới, hiện đại có thể có sự gắn kết của nhiều hoạt động kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp có thể bao gồm các cấu phần về năng lượng sinh khối, dịch vụ chế biến nông sản…, tức là gắn với công nghiệp, dịch vụ. Nếu vẫn theo tư duy truyền thống sẽ khó tạo không gian cho sự phát triển.
Vì sao không có chính sách ưu đãi thuế?
Để thực hiện cơ chế thử nghiệm, cơ quan soạn thảo đề xuất 6 nhóm chính sách, gồm: Chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phân loại xanh; chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách đất đai.
Cụ thể, về chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế, cơ quan soạn thảo đề xuất cho phép dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm có các cấu phần công nghiệp - năng lượng và dịch vụ với tổng tỷ trọng ít nhất 50% trong tổng doanh thu được phép thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế.
Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc, hoạt động đầu tư dự án kinh tế tuần hoàn tại khu công nghiệp, khu kinh tế và các thành viên gia đình của họ được tạm trú, thường trú trong khu công nghiệp, khu kinh tế và ở Việt Nam theo quy định pháp luật.
Đối với chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được Nhà nước, chính quyền địa phương tư vấn giới thiệu công nghệ, hỗ trợ 50% chi phí chuyên gia tư vấn công nghệ; hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn…
Về chính sách phát triển nguồn nhân lực, Nhà nước hỗ trợ tối đa 70% tổng chi phí cho một khóa quản trị doanh nghiệp cho tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm; hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nghề, chi phí chuyển đổi nghề nghiệp nhưng không vượt quá 3 tháng lương cơ sở cho mỗi người lao động tại khu vực triển khai dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm…
Như vậy, cơ quan soạn thảo đã không đề xuất chính sách về ưu đãi thuế. Đại diện CIEM xác nhận, ban đầu đã đưa thêm đề xuất này. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tài chính, không gian chính sách thuế của Việt Nam hiện tương đối hẹp, nếu tăng cường ưu đãi thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu. Điều quan trọng hơn cả là phải bảo đảm tính trung lập của chính sách thuế, nên hạn chế ưu đãi thuế với các ngành cụ thể. Do đó, ban soạn thảo đã bỏ chính sách ưu đãi này, song nguyên tắc chung là các doanh nghiệp, dự án tham gia cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn đang thuộc diện ưu đãi thuế nào thì vẫn tiếp tục được áp dụng theo quy định.
Khẳng định cần sớm ban hành Nghị định song các chuyên gia tiếp tục đề xuất ban soạn thảo làm rõ lý do chọn 4 lĩnh vực thử nghiệm, liệu đây đã là những lĩnh vực tối ưu hay có thể mở rộng. Theo đó, ban soạn thảo nên tính toán đến một số ngành rất tiềm năng trong phát triển kinh tế tuần hoàn, như khai khoáng, xử lý chất thải, nước thải…
ThS. Hoàng Thị Diệu Linh, Cán bộ phụ trách vấn đề chất thải và kinh tế tuần hoàn Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) lưu ý, ban soạn thảo cũng cần làm rõ những khó khăn của cơ chế hiện hành là gì. Chẳng hạn, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có khuyến khích tái chế nước thải, đưa ra khái niệm “cộng sinh công nghiệp” nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
“Có doanh nghiệp dự kiến triển khai dự án tuần hoàn tái chế xử lý chất thải công nghiệp, sau đó bán lại cho doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp nhưng hiện không thể xuất được hóa đơn vì không có quy định”, bà Linh dẫn chứng và cho rằng, việc nhận diện được khó khăn của cơ chế hiện hành sẽ là cơ sở để cơ chế thử nghiệm tháo gỡ, khỏa lấp những khoảng trống về quy định.