Chủ động kiểm soát dịch bệnh
Theo Bộ Y tế, khu vực miền Bắc đang ở giai đoạn mùa Đông Xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm.
Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới, Bộ Y tế đã ban hành công văn về việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa Đông Xuân năm 2023 - 2024. Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường; có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới nổi. Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi gia tăng đáng kể. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua với ước tính nửa dân số trên thế giới có nguy cơ ca mắc mỗi năm.
"Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn" - PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Để tiếp tục chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Đông Xuân năm 2023 - 2024, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo UBND các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; bảo đảm kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Các đơn vị y tế lấy mẫu, giải trình tự gene phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Sở Y tế và các đơn vị y tế trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời…
Xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cũng là thời gian đặc biệt có nhiều lễ hội, sự kiện diễn ra trong phạm vi cả nước. Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế nhận định, đây là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu lớn nhất trong năm.
Các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn thường là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, nước đá, các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay, nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Trước tình hình đó, Cục ATTP đã sớm có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; để bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó, tổ chức, triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã ký ban hành Kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024; theo đó, từ ngày 20.12.2023 - 15.3.2024, có 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị… có các mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Xuân Giáp Thìn và các lễ hội. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, sẵn sàng phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Bảo đảm đủ thuốc và trang thiết bị
Bên cạnh việc chủ động phòng dịch và bảo đảm ATTP, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Bộ Y tế dồn lực thực hiện là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường hiệu quả khám, chữa bệnh các tuyến và nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị phục vụ nhu cầu điều trị tăng cao dịp Tết đến, Xuân sang.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, sau dịch Covid-19 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế, với khối lượng lớn vấn đề tồn đọng cần giải quyết. Hiện nay, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ y tế từ Trung ương xuống địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật; làn sóng xin nghỉ việc, cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Một trong các nhiệm vụ quan trọng năm 2024 được Quốc hội nhấn mạnh tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9.11.2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là bảo đảm đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập. Vì vậy, thời gian qua, Bộ Y tế, các bộ ngành đã trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về bảo đảm nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Nguyễn Việt Dũng thông tin, Cục đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc. Hiện tại, có hơn 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với 800 hoạt chất, cơ bản bảo đảm nguồn cung ứng thuốc trên thị trường.
Về dịch vụ y tế, công tác chăm sóc sức khỏe người dân, y tế cơ sở cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế) Phan Lê Thu Hằng khẳng định, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới tạo tiền đề thuận lợi cho y tế cơ sở phát huy vai trò "người gác cổng" trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Theo đó, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cần nâng cao năng lực điều trị; rà soát cơ sở vật chất, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, thiết bị, oxi y tế, phương tiện cấp cứu. Phân công cụ thể các kíp trực chính và dự phòng các kịp trực thường trú để sẵn sàng ứng phó tình huống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, tai nạn thương tích có thể xảy ra. Các kíp thường trực có mặt 24/24 giờ tại bệnh viện, bảo đảm tốt công tác tiếp nhận, khám, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.
Song song với sự nỗ lực hết mình của toàn ngành y tế trong công tác chuẩn bị, bảo đảm khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong những ngày Tết Nguyên đán, Xuân Giáp Thìn; để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế sử dụng bia, rượu, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh… để đón năm mới vui tươi, trọn vẹn, bình an.