Tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế trong nước
Tham gia thảo luận tại Hội trường trong phiên họp sáng nay, 4.11, ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) đánh giá cao công tác điều hành rất chủ động và quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội thời gian qua.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2024, đại biểu đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả các giải pháp tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến ngày 15.10.2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta ước đạt trên 610 tỷ USD, xuất siêu đạt trên 21 tỷ USD; dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục (trên 800 tỷ USD), điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường. Trong đó, xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao cho thấy các doanh nghiệp của khu vực này đang làm rất tốt trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ của nước ta; thể hiện qua việc nhiều tập đoàn lớn đến nghiên cứu và cam kết đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, chip bán dẫn, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo…
Khẳng định kết quả nêu trên, song đại biểu Trình Lam Sinh cũng cho rằng, đối với khu vực kinh tế trong nước, số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội.
Đại biểu Trình Lam Sinh cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, công nghệ chế biến sâu, phát triển các mô hình sản xuất mới, phương pháp nuôi trồng hiện đại…
Chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu rõ, dù gặp phải thiên tai, bão lụt, thời tiết có nhiều bất lợi nhưng sản xuất nông nghiệp, thủy sản vẫn có mức tăng trưởng khá, an ninh lương thực được bảo đảm. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới…
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu thực tế, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao. Xây dựng nông thôn mới vẫn còn những tồn tại như: kết quả xã đạt chuẩn nông thôn mới ở một số vùng vẫn còn chênh lệch lớn, vùng lõm vẫn là những tỉnh khu vực miền núi và Tây Nguyên; sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt, phong trào xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương có dấu hiệu chững lại.
Phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho nông dân ở khu vực nông thôn chưa được cải thiện nhiều, việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới chưa được quan tâm đúng mức.
Từ những hạn chế nêu trên, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với đó, cần khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2024, nhất là các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương để đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục thực hiện tốt phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân; kết hợp, lồng ghép các nguồn lực từ chương trình, dự án từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người nông dân.
Đồng thời, nghiên cứu xem xét bổ sung nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.