Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giáo dục đại học và dạy nghề

Đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại phiên thảo luận sáng nay, 4.11, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy giáo dục đại học và dạy nghề phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta.

dbqh-thao-luan-ve-kinh-te-xa-hoi.jpg
Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Ảnh: Hồ Long

Dạy nghề còn gặp một số khó khăn

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 cho thấy, trong thời gian qua, tình hình lao động việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực, 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng hơn 210.000 người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212.000 người, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 519 nghìn đồng.

Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm. Tỷ lệ lao động Việt Nam có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tăng 3,46% và tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 2,66%. Đặc biệt lần đầu tiên trong vài năm gần đây tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,56% vượt chỉ tiêu đề ra.

nguyen-van-manh.jpg
ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ghi nhận các chuyển biến tích cực lao động thời gian qua, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) nhận thấy, chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, chưa có số liệu lao động đi xuất khẩu lao động năm 2024.

Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đồng thời tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao. Công tác định hướng nghề nghiệp phân luồng học sinh theo quyết định Thủ tướng Chính phủ chưa đạt mục tiêu đề ra

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị, cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường để giải quyết việc làm cho lao động.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp; chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Tăng cường hỗ trợ tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp để tạo thêm việc làm, hoàn thiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên để tìm và tự tạo việc làm…

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện Quyết định số 522 và có giải pháp phân luồng triệt để 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi đào tạo nghề.

nguyen-hoang-bao-tran.jpg
ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cũng quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu rõ, việc đặt hàng đào tạo hiện chưa thu hút được doanh nghiệp khi còn có những rào cản về chi phí, trang thiết bị giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong quản lý, phát triển chương trình đào tạo.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thiếu đội ngũ giáo viên đạt chuẩn phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo, quy mô đào tạo, chưa bảo đảm tương xứng với tiềm năng và yêu cầu về nhân lực có kỹ năng nghề. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở đô thị lớn không đủ diện tích để giảng dạy, thực hành.

Do vậy, đại biểu đề nghị, Chính phủ nghiên cứu để có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động cũng như đặc thù kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động, góp phần bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo.

Thúc đẩy mọi nguồn lực, biến đại học trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội

Thực tế cho thấy tự chủ đại học là điểm đột phá, là động lực cho các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và dần phát huy tối đa mọi nguồn lực để phát triển theo chuẩn mực quốc tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.

Dẫu vậy, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cho rằng, đào tạo sau đại học cho khối ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nền tảng của công nghiệp tự cường, kết hợp với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của hệ thống giáo dục đại học cần tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt.

vuong-quoc-thang.jpg
ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh:Hồ Long

Nhấn mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của đại học là vô cùng quan trọng, đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng, cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy mọi nguồn lực nhằm biến đại học trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nêu những nhiệm vụ cần thực hiện trong trước mắt để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, đầu tư cho khoa học, công nghệ từ nguồn ngân sách nhà nước cần ưu tiên tối đa cho khu vực tập trung đội ngũ cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian, nơi sản sinh ra đội ngũ tri thức và sản phẩm sáng tạo phục vụ cho đất nước.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ cần được coi là nguồn lực của sáng tạo, cần được phân luồng từ đào tạo bậc đại học và có cơ chế hỗ trợ, chăm sóc từ nguồn ngân sách nhằm thúc đẩy quá trình tiếp thu tinh hoa công nghệ thế giới và sáng tạo công nghệ phục vụ công nghiệp và đời sống.

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, cần xây dựng các cơ chế thuận lợi để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước phục vụ cho nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao; xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy nguồn thu bền vững ngoài học phí cho các cơ sở giáo dục đại học, giảm dần sự phụ thuộc vào học phí; thúc đẩy nhanh các cơ chế đặt hàng theo tiêu chí sản phẩm đầu ra; sớm nghiên cứu cơ chế giao tài sản cho các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ kèm theo các cơ chế giám sát chặt chẽ, làm cơ sở cho việc hạch toán tài chính đầy đủ…

Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp - Ảnh Quang Khánh
Thời sự Quốc hội

Tạo cơ hội mới cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn

Theo các đại biểu, việc thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng sẽ là bước đột phá lớn, tạo cơ hội mới để Hải Phòng sẽ phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn nữa. Đồng thời, phát huy được vị trí địa lý của thành phố, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary cắt băng khánh thành Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia

Chiều 21.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã chủ trì lễ khánh thành và trao tặng công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Vương quốc Campuchia - món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Nhà nước Campuchia trao tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, chiều nay, 21.11, tại trụ sở Quốc hội Campuchia ở thủ đô Phnom Penh, thay mặt Nhà nước Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary đã trao Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự của Nhà nước Campuchia tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.