Hiệu quả bước đầu
Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm nay là năm đầu tiên triển khai đề án điểm giai đoạn 2023 - 2025 trong lĩnh vực chế biến lâm sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Kết quả cho thấy một số doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong việc quy hoạch nguồn nguyên liệu, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên và gỗ rừng trồng tại địa phương. Điển hình như Công ty TNHH Thương mại sản xuất Đồng Tâm (Thọ Xuân); Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát (Như Thanh); hộ kinh doanh Lê Văn Quân (TP. Thanh Hóa)...
Đại diện Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát cho biết, năm 2023, doanh nghiệp đã đầu tư một nhà máy trị giá gần 16,5 tỷ đồng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để sản xuất gỗ ván ép, trong đó kinh phí đầu tư máy móc lên tới 13,8 tỷ đồng. Chương trình khuyến công đã hỗ trợ Công ty đầu tư máy may ván, hệ thống lò hơi, máy lật ván, máy mài lưỡi cưa tự động... để đồng bộ quy trình sản xuất. Với hệ thống máy móc này, Công ty là đơn vị đầu tiên sản xuất thành công gỗ ván ép xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu gỗ bạch đàn, keo và gỗ tạp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong năm 2023, chương trình khuyến công quốc gia cũng hỗ trợ Công ty TNHH May Bảo Châu (Như Thanh) kinh phí 600 - 700 triệu đồng để đầu tư một dây chuyền sản xuất hiện đại. Nhờ đó, các công đoạn may tạo ra 1.000 sản phẩm/8h mà chỉ cần từ 20 đến 25 công nhân (so với máy cũ tạo ra 1.000 sản phẩm/8h cần từ 50 đến 55 công nhân). Hệ thống máy móc được lắp đặt các bảng điều khiển có thể lập trình cách may, kiểu may, tốc độ may... rất chính xác và linh hoạt khi may; cho dù kiểu may phức tạp đến đâu thì công nhân may cũng có thể dễ dàng thực hiện, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng...
Hướng tới các đề án có trọng tâm, trọng điểm
Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa cho biết, chương trình khuyến công đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động nông nhàn, tạo nhiều việc làm mới, góp phần xóa đói giảm nghèo. Từ đó, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn, góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân.
Chương trình khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn chủ động hơn trong việcứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tìm kiếm thị thường tiêu thụ. Xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình trong tỉnh để giới thiệu và nhân rộng.
Các cơ sở công nghiệp nông thôn dù tăng nhanh về số lượng nhưng quy mô lại nhỏ, công nghệ còn nhiều hạn chế, vốn ít, nguồn nhân lực mới bảo đảm về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng. Ở những vùng miền núi cao, giao thông đi lại khó khăn, chương trình khuyến công khó tiếp cận với các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Để phát huy tốt những kết quả đã đạt được, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa sẽ chú trọng lựa chọn, hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn.
Trung tâm sẽ tiếp tục đồng hành với các cơ sở triển khai thành công đề án điểm về lĩnh vực chế biến lâm sản, giai đoạn 2023 - 2025. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng các đề án nhóm, có trọng tâm, trọng điểm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu có trữ lượng dồi dào, phong phú về chủng loại của từng địa phương; tạo đòn bẩy kích cầu cho doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ.