Dấu ấn gạo Việt

- Thứ Bảy, 29/08/2020, 02:31 - Chia sẻ

Từ giữa tháng 7 đến nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, vượt giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, duy trì ở mức 480 - 490 USD/tấn. Trong đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vươn lên vị trí cao nhất thế giới. Không chỉ tăng giá, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang rộng mở, khi lần đầu tiên chúng ta xuất khẩu được vào Australia và Pháp từ chính nhãn hiệu gạo Việt Nam.

Giá gạo Việt Nam ngang ngửa và một số loại vượt xa gạo các nước khác trên thị trường thế giới không phải “hữu xạ tự nhiên hương”, mà là kết quả của quá trình nỗ lực nâng cao chất lượng cũng như thương hiệu gạo xuất khẩu. Rõ ràng, xuất khẩu gạo đã giải quyết tốt hơn bài toán thị trường, trong đó có việc nâng cao chất lượng lúa gạo và xây dựng thương hiệu để tạo ra những giá trị mới. Với điều kiện thuận lợi hiện tại, gạo Việt Nam đang có vị trí tốt và là cơ hội để nông dân, doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thế giới.

Nhiều chuyên gia nhận định, giá gạo hiện nay có lợi cho người trồng lúa, cho doanh nghiệp xuất khẩu và vẫn có thể duy trì mức giá cao vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu do cung - cầu thị trường. Tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến thời điểm này đã giảm so với cùng kỳ, trong khi nhu cầu của thế giới tăng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc xuất khẩu với giá tốt và vượt lên Thái Lan chỉ là hiện tượng đột biến, không kỳ vọng duy trì hàng năm. Về lâu dài, để cạnh tranh được giá bán với Thái Lan đòi hỏi chiến lược nâng cao chất lượng gạo của Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gạo chất lượng cao mang thương hiệu Việt, bảo đảm cạnh tranh tốt trên thị trường, phải nhấn mạnh việc liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã. Doanh nghiệp đặt hàng để nông dân, hợp tác xã sản xuất lúa. Doanh nghiệp hướng dẫn quy trình canh tác sản xuất, bao tiêu thu mua, chịu trách nhiệm xây dựng thương hiệu, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm gạo. “Các vụ mùa tiếp theo của các năm sau cũng vậy, chưa có con đường nào khác tốt hơn quy trình tại mô hình nêu trên” - một doanh nghiệp vừa xuất khẩu gạo thành công vào thị trường Pháp khẳng định.

Thực tế, Việt Nam hiện có hơn 200 doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn tham gia hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt không chỉ là giá mà còn là chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Trong khi trân trọng những kỳ tích lúa gạo và phấn khởi trước nhiều tin vui tạo vị thế mới của hạt gạo, cũng không nên quên định hướng lâu dài, đó là phải nâng cao giá trị hạt gạo, chuyển đổi từ trọng cung hơn trọng cầu, từ sản lượng sang chất lượng.

Để hạt gạo nước ta vươn ra biển lớn thì việc nâng cao chất lượng và tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam cần tiếp tục đặt ra ở tầm mức mới, phải được xem là yếu tố sống còn. Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng thương hiệu gạo của riêng mình gắn với thương hiệu gạo quốc gia; liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã và nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, đưa nhiều giống lúa mới chất lượng cao được thế giới công nhận như ST25, ST24, Jasmine, Japonica… vào sản xuất thay thế giống chất lượng trung bình. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý.

Đặc biệt, cần chú trọng tới thị trường EU. Dù hạn ngạch chỉ 80.000 tấn/năm, chiếm 1% lượng gạo của Việt Nam hàng năm, nhưng nếu tận dụng được tốt hạn ngạch này, gạo Việt Nam sẽ dần tạo được uy tín và chỗ đứng tại EU. Khi tận dụng tốt hạn ngạch 80.000 tấn, sẽ góp phần không nhỏ làm tăng giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng sẽ có tác động ít nhiều tới giá gạo của Việt Nam xuất sang các thị trường khác.

Chi An