Nghệ thuật xiếc Việt Nam trong xu thế hội nhập

Đặt hàng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao

Dưới áp lực mạnh mẽ của nhu cầu muốn được thưởng thức cái mới, sự vận động tự thân của đội ngũ nghệ sĩ, xiếc Việt đang cố gắng thay đổi, từ cách thức tổ chức đến cấu trúc tiết mục, chương trình… Tuy nhiên, nếu chỉ quanh quẩn nỗi lo cơm áo gạo tiền, nghệ thuật xiếc Việt Nam khó vượt lên.

Thiếu nguồn diễn viên trẻ

Vẫn là “biết rồi, nói mãi” nhưng khó khăn của đời sống và cơ chế đãi ngộ đối với những người làm nghệ thuật xiếc luôn đeo đẳng từ nhiều năm nay. Phát biểu tại tọa đàm “Nghệ thuật xiếc Việt Nam trong xu thế hội nhập” do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức mới đây, NSƯT Phi Vũ, Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam cho biết, lực lượng diễn viên xiếc của đơn vị ngày càng thiếu hụt trong khi nhu cầu bổ sung nhân lực luôn cấp thiết. “Lớp đang biểu diễn đã trên 30 tuổi, trong khi lớp kế thừa không có. Nhận rõ thiếu hụt này, chúng tôi đã mở các lớp đào tạo tại chỗ nhưng không có người học. Vấn đề tồn tại bao năm qua mà ai cũng biết là do chế độ đãi ngộ, lương khởi điểm cho diễn viên xiếc chỉ trên 2 triệu đồng/tháng, các em không thể chi trả nổi cuộc sống tại các thành phố lớn, chưa kể phải đối mặt trước tai nạn, rủi ro trên sân khấu”.

Nhiều tác phẩm xiếc Việt ghi dấu ấn bởi cách dàn dựng và kỹ thuật biểu diễn Nguồn: zing.vn
Nhiều tác phẩm xiếc Việt ghi dấu ấn bởi cách dàn dựng và kỹ thuật biểu diễn
Nguồn: zing.vn

NSND Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam đồng tình: Hiện nay, đào tạo chưa đáp ứng cho toàn ngành, các đơn vị đều gặp khó khăn vì thiếu nguồn diễn viên trẻ. Đã nhiều năm nay, Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam chật vật tuyển sinh. Nếu nghệ sĩ xiếc có thu nhập ổn định, được hưởng chế độ đãi ngộ tốt thì đầu vào tuyển sinh sẽ dễ dàng hơn.

Ngành xiếc có thuận lợi là được Nhà nước hỗ trợ thiết bị học và kinh phí đào tạo. Tuy nhiên, sau khoảng 5 năm trong trường, người học phải tập luyện thêm 3 năm mới có thể biểu diễn. Một tiết mục xiếc để trình làng cũng mất vài ba năm, chưa kể tuổi nghề lại rất ngắn. 35 tuổi, 18 năm bám nghề, nghệ sĩ Bùi Anh Quân, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chia sẻ: “Tuổi nghề của xiếc vô cùng ngắn ngủi so với các loại hình nghệ thuật khác. Khi tôi đi khám xương khớp, bác sĩ khẳng định và cảnh báo về sự thoái hóa mức độ cao, cỡ người ở tuổi 47. Đã thế, ở độ tuổi này đồng lương cũng không hơn lớp diễn trẻ mới vào nghề. Đôi khi nhìn lại những rủi ro gặp phải, chúng tôi không khỏi lo âu khi Nhà nước chưa có chế độ bảo hiểm nghề nghiệp mang tính đặc thù cho nghề xiếc, thử hỏi nghệ sĩ xiếc sao có thể yên tâm cống hiến và sáng tạo?”.

Tạo động lực sáng tạo

Những năm qua, xiếc Việt từng giành nhiều giải thưởng trong các liên hoan quốc tế tại Nga, Pháp, Italy, Thụy Sĩ, Monaco, Cuba, Hungary, Ba Lan, Đức… Có được thành công này phụ thuộc nhiều ở vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với những động thái tích cực trong đổi mới đầu tư, đặt hàng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, có chất lượng. Nhiều tiết mục được đầu tư theo hình thức này đã nhận được hiệu ứng tích cực tại Cuộc thi tài năng diễn viên xiếc toàn quốc 2018 đang diễn ra tại Hà Nội, như: “Đu sen”, “Đu bay”, “Cầu bật”, “Vòng xoay mạo hiểm” (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), “Khát vọng”, “Nhịp điệu trẻ”, “Phiên chợ rẻo cao” (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam)…

NSND Nguyễn Ngọc Trúc, Chánh Văn phòng Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, nhìn vào các chương trình, tiết mục đã đoạt giải thưởng và được dư luận quốc tế đánh giá cao cho thấy những người làm xiếc Việt đã luôn vận động, trăn trở để khẳng định mình. Từ chỗ áp dụng khai thác tiến bộ trong khoa học, nâng độ khó cho kỹ năng, kỹ xảo xiếc, họ đã nghiên cứu đổi mới theo xu hướng tổng hợp hóa, dung nạp thêm các loại hình như kịch, kịch hình thể, kịch câm, ballet… đầu tư đạo cụ để làm mới, đa dạng và phong phú hơn cho ngôn ngữ xiếc, đưa nội dung xuyên suốt vào tiết mục tạo nên những tác phẩm xiếc hiện đại sinh động, hấp dẫn hơn. Đó cũng chính là cơ sở phát triển độ khó, là sự trợ giúp đắc lực cho thành công không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế như tiết mục “Vũ điệu phương Đông” nói riêng và nhiều chương trình ghi dấn ấn thời gian qua như: “Làng tôi”, “AO show”, “Tehda” và “Sông trăng” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam…

Trong tương lai, bên cạnh tận dụng trở lại những tiết mục xiếc dân gian, cũng như học tập tiết mục thành công của thế giới, nâng độ khó của tiết mục, còn là xu hướng phát triển thành những tác phẩm xiếc tổng hợp ở trình độ cao. Điều này càng đòi hỏi sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, làm thế nào để nghệ sĩ có động lực sáng tạo còn là điều trăn trở. Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSƯT Tạ Duy Ánh thừa nhận: Ăn một bát mì “không người lái” mà nhào lộn ba bốn vòng cũng khó để sáng tạo. Mừng là nhiều nghệ sĩ còn đam mê, có năng khiếu và tài năng. Vì thế, bên cạnh chính sách đối với nghệ sĩ, xiếc Việt Nam cũng cần có chiến lược đồng bộ, dài hạn, tổng thể, để khắc phục những hạn chế và đưa ra phương hướng phát triển.

Văn hóa

Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Hà Nội năm 1946
Văn hóa - Thể thao

Trước cuộc trường chinh vĩ đại

Ngày 19.12.1946, quân và dân Hà Nội đồng loạt nổ súng, mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tinh thần ấy đã tiếp thêm động lực cho nhân dân Thủ đô anh dũng, chiến đấu 60 ngày đêm trước cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc.

Poster phim "Đào, phở và piano"
Văn hóa

Bài cuối: Lãng mạn nhưng kiên cường

26 năm sau "Hà Nội mùa đông 46", năm 2023, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện bộ phim "Đào, phở và piano" từ sự thôi thúc bên trong, từ những câu chuyện kể của thế hệ cha anh đi trước mà ông được lắng nghe, và từ chính những ký ức tuổi thơ của đạo diễn về Hà Nội.