Tuy nhiên, về mặt chính sách, đại biểu Tạ Thị Yên cũng chỉ ra một số nội dung cơ quan soạn thảo cần tiếp tục xem xét, cân nhắc.
Cụ thể, tại Chương XI dự thảo Luật quy định tài chính về đất đai, giá đất…, đại biểu cơ bản nhất trí với nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất được quy định ở Điều 154, song còn một số băn khoăn: nếu chúng ta coi “Giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực” là một trong những Thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất (khoản 3) thì khó có thể có thông tin đầu vào chính xác, đảm bảo nguyên tắc là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.
Thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường bằng và thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị nên coi “Kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định giá đất” (khoản 4 điều 154) cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất.
Tại Điều 187, Điều 188 dự thảo Luật có đề cập đến cụm từ “Tập trung” hay “tích tụ” đất nông nghiệp, cũng như giải thích từ ngữ tại Điều 3 (khoản 49 và 54). Theo đại biểu, đây là vấn đề lớn, cần phân tích, làm rõ sự khác biệt giữa 2 khái niệm và có lẽ ở đây chỉ nên là một khái niệmvì đều dẫn đến tăng quy mô diện tích đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp.
Ngay trong dự thảo Luật, khoản 2 của cả 2 Điều 187, 188 đều quy định về “các phương thức tập trung (hay tích tụ) đất nông nghiệp” cũng gần giống nhau: như dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; hợp tác sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tại Khoản 3 của cả 2 điều 187 và 188 đều ghi rõ: Nhà nước khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tập trung hay tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp (riêng với tích tụ thì có thêm quy định với quy mô phù hợp). Do đó, chỉ nên dùng 1 thuật ngữ tập trung đất đai cho cả 2 trường hợp mà dự thảo Luật đề cập.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Chương VII), đại biểu Tạ Thị Yên thống nhất với quy định của dự thảo Luật và đề nghị làm rõ việc sử dụng ngân sách nhà nước như một phương thức hỗ trợ người dân sau khi di dời, tái định cư có việc làm, thu nhập, điều kiện sống tốt hơn trước, bởi vì Nhà nước sẽ còn thu được ngân sách trong suốt vòng đời của dự án sử dụng những diện tích đất đó từ doanh nghiệp phát triển dự án hay doanh nghiệp sử dụng đất.
Đối với đất sử dụng vào mục đích kinh doanh, thương mại hình thành từ việc lấn biển, đại biểu Tạ Thị Yên nêu thực tế hiện nay đã có một số địa phương cho phép doanh nghiệp lấn biển làm các công trình cảng, kho chứa, hình thành các khu đô thị, du lịch và dự báo xu thế này có thể gia tăng trong thời gian tới do lợi ích của việc lấn biển mang lại. Do đó, nên hình thành quy định chặt chẽ về vấn đề này, hiện nay, các nội dung trong dự thảo luật điều chỉnh về nội dung này còn chưa thực sự đầy đủ, bao quát về quy chế pháp lý của loại hình đất này.
Về đất có nguồn gốc nông, lâm trường quy định tại khoản 3 Điều 177, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị cần phải xác định đây là đất công, thuộc diện dự trữ quốc gia, do đó nên ưu tiên để dành cho các mục đích công cộng.
Để có thể vận hành thông suốt trong thực tiễn, cần chú ý tới tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật Đất đai (sửa đổi) với hệ thống pháp luật có liên quan, chẳng hạn như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, các luật về xây dựng, quy hoạch, đấu thầu, kết cấu hạ tầng, quản lý công sản… Có thể tới vài chục luật vì hoạt động kinh tế - xã hội nào cũng liên quan đến đất đai.
Dự thảo Luật Đất đai chưa quy định cá nhân nước ngoài là người sử dụng đất nhưng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản cho phép cá nhân nước ngoài được thuê, mua, sở hữu nhà tại Việt Nam mà nhà thì gắn với quyền sử dụng đất (?); hay như dự thảo Luật Đất đai quy định thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất là từ khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản quy định nhà (tài sản) hình thành trong tương lai đã có thể mua bán được …
"Tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã phải ban hành 1 Luật để sửa 37 Luật có liên quan. Luật Đất đai mang tính chất chuyên môn sâu, phức tạp, có tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, nên cũng phải rà soát xem có bao nhiêu luật có liên quan cần sửa đổi để đảm bảo tính tương thích, đồng bộ", đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.