Thực tiễn Cách mạng Việt Nam đã chỉ ra rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã trải qua biết bao gian nan thử thách, đã được nhân dân thừa nhận, nhân dân đã gọi Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng ta; Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân đồng thời đã trở thành đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
Sự lãnh đạo của Đảng đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, song có hai thời kỳ khác nhau cơ bản: thời kỳ chính quyền chưa về tay nhân dân và thời kỳ chính quyền đã về tay nhân dân.
Do có những thuận lợi và khó khăn khác nhau giữa hai thời kỳ đó, nên nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng cũng có những điểm khác nhau quan trọng,song về bản chất lãnh đạo trong cả hai thời kỳ đó vẫn có một điểm chung cơ bản: Lãnh đạo là ngọn đuốc soi đường, là trí tuệ chỉ đường, là tổ chức, vận động, thuyết phục,…, không phải là mệnh lệnh hành chính đối với Nhà nước và xã hội.
Trở lại những năm tháng đầu tiên khi Đảng ta mới được thành lập, Đảng ta phải hoạt động trong điều kiện bí mật, chính quyền thực dân phong kiến đã đặt Đảng ta ra ngoài vòng pháp luật; chúng lùng bắt, giam cầm, tra tấn và giết hại dã man biết bao cán bộ của Đảng. Bất chấp sự khủng bố tàn khốc của địch, nhân dân ta được giác ngộ đã đi theo tiếng gọi của Đảng để hoạt động và phục vụ cách mạng, nuôi và bảo vệ cán bộ của Đảng trong hầm bí mật, nhiều khi ở ngay trong nhà mình.Trong hoàn cảnh đối kháng sống còn đó càng thấy rõ các chủ trương của Đảng để lãnh đạo nhân dân không thể là mệnh lệnh hành chính đối với chính quyền thực dân phong kiến. Song ngay trong những ngày đó, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng bằng Cương lĩnh chính trị và các chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân; bằng tuyên truyền, vận động thuyết phục; bằng tổ chức; bằng bạo lực cách mạng;... và đã dẫn dắt nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.Chủ trương lãnh đạo của Đảng trong trường hợp này là đối kháng sống còn với quyền lực của chính quyền thực dân phong kiến, song lại hợp với lòng Dân nên được Dân ủng hộ, đã tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, lớn mạnh hơn quyền lực của chính quyền thực dân phong kiến, và đã đánh đổ quyền lực của chính quyền thực dân phong kiến.
Từ ngày chính quyền đã về tay nhân dân, Đảng ta lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong điều kiện mới với những thuận lợi mới chưa từng có,đặc biệt là đường lối của Đảng đã được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật, nhiều cán bộ của Đảng đã nắm giữ các vị trí trọng yếu trong hệ thống chính trị của cả nước. Trong điều kiện đó, quyền lực chính trị của Đảng là thống nhất với quyền lực Nhà nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại,nhân dân ta đã lần lượt đánh đuổi bọn thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, và ngày nay đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chủ động mở rộng hợp tác và hội nhập khu vực và quốc tế.Song Cương lĩnh chính trị của Đảng, những chủ trương lãnh đạo của Đảng trong điều kiện chính quyền đã về tay nhân dân cũng vẫn là ngọn đuốc soi đường, là trí tuệ chỉ đường; cũng vẫn không phải là mệnh lệnh hành chính đối với Nhà nước và xã hội. Đảng ta vẫn phải làm tốt công tác tổ chức, vận động, thuyết phục,... tuy Đảng ta đã trở thành Đảng lãnh đạo hợp Hiến đối với Nhà nước và xã hội như Hiến pháp đã khẳng định.
Phương thức lãnh đạo của Đảng đã được quy định trong Cương lĩnh năm 1991 như sau:
“Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác, bằng công tác tuyên truyền thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.
Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Đảng không làm thay công việc của Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cách đưa ra những sáng kiến về đường lối, chủ trương, chính sách, bằng tổ chức, vận động, thuyết phục,... Đảng giới thiệu những cán bộ tiêu biểu với Nhà nước và các tổ chức xã hội, Đảng không quyết định thay cho các tổ chức đó. Nhà nước pháp quyền XHCN quản lý đất nước bằng pháp luật, pháp luật là tối thượng, không quản lý trực tiếp bằng chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Pháp luật chính là chủ trương, chính sách của Đảng đã được luật hóa. Thực hiện pháp luật chính là thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, chính là chấp hành nghiêm chỉnh sự lãnh đạo của Đảng. Đó là những nội dung cực kỳ quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Như vậy, trong điều kiện chính quyền đã về tay nhân dân thì chủ trương lãnh đạo của Đảng là sáng kiến, kiến nghị của Đảng, không phải là mệnh lệnh hành chính đối với Nhà nước và xã hội; cán bộ và đảng viên của Đảng phải vận động thuyết phục để thực hiện chủ trương lãnh đạo của Đảng, vùâa chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc của Đảng, vừa chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối không chủ quan áp đặt.
Lãnh đạo là soi đường chỉ lối, là tổ chức, là vận động thuyết phục,... Lãnh đạo Nhà nước và xã hội là một sứ mệnh lịch sử cao cả và nặng nề, rộng lớn và phức tạp, không thể nói đơn giản được.
Tuy không thể nói đơn giản được, không thể so sánh được, song để cho dễ hiểu, để có một ý niệm đơn giản nhất về hai trong nhiều khía cạnh của sự lãnh đạo,khía cạnh vạch đường chỉ lối và khía cạnh không áp đặt,có thể quan sát quan hệ của một người có đức tài nổi trội nào đó, xin tạm gọi là ông “T”, với những người xung quanh ông. Ông “T” đó không bắt ai phải đến hỏi ý kiến của ông về bất cứ điều gì, ông ấy cũng không bắt ai phải nghe, nói và làm theo những lời ông nói; thế mà nhiều người cứ tự đến với ông để hỏi, để xin ý kiến của ông, nhiều người cứ tin, nói và làm theo những lời ông nói. Vì sao vậy? Vì ông “T” đó là người có thể vạch đường chỉ lối đúng cho người khác, do đó mà người ta nghe và làm theo một cách tự giác, vì nghe và làm theo lời ông chỉ dẫn thì có lý hơn và có lợi hơn.
Thực tiễn lịch sử của Đảng ta đã chỉ rõ, lãnh đạo phải bằng tài đức, phải bằng lương tâm và trí tuệ hơn người, phải biết vạch đường chỉ lối, tổ chức thực hiện, chịu đựng gian khổ hy sinh, nêu gương đi trước, vận động thuyết phục,... Chủ trương lãnh đạo của Đảng phải phù hợp với quy luật và thực tiễn khách quan, phù hợp với lòng Dân, không bao giờ là mệnh lệnh hành chính đối với Nhà nước và xã hội.
Đường lối chính trị có lý lẽ thuyết phục và mang lại lợi ích đích thực cho Dân, đó chính là ngọn đuốc soi đường, là trí tuệ chỉ đường, có sức hấp dẫn quảng đại, có sức mạnh to lớn và là nguồn động lực vô tận; sức mạnh đó chính là sức mạnh của lòng Dân được tổ chức lại, sức mạnh thuộc về quyền lực chính trị, tuy không phải là mệnh lệnh hành chính, không thuộc về quyền lực nhà nước, song nó có thể có sức mạnh to lớn hơn cả quyền lực nhà nước, như sức mạnh của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đã chỉ rõ.
Vai trò lãnh đạo và phương thức lãnh đạo của Đảng ta đã được hình thành như thế, đang là như thế, và Đảng ta cần thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, tự phê bình và phê bình, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo, giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất, phát huy dân chủ và đề cao kỷ luật, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức từ Trung ương đến cơ sở,để Đảng ta sẽ tiếp tục là như thế, tiếp tục được nhân dân tự nguyện suy tôn và thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, tiếp tục được nhân dân gọi Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng ta, Đảng ở trong lòng dân tộc, Đảng bách chiến bách thắng.
ĐBQH Nguyễn Văn An
(Bài có sửa chữa và gửi cho Báo NĐBND)