Đây là kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo góp ý kiến đề xuất chính sách xây dựng Luật Cấp, thoát nước do Bộ Xây dựng phối hợp với Hội Cấp, thoát nước Việt Nam tổ chức ngày 9.6, tại Quảng Ninh.
Theo Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh: hiện cả nước có hơn 750 nhà máy sản xuất nước sạch và 80 nhà máy xử lý nước thải. Số lượng các công ty này còn khá ít so với nhu cầu của gần 100 triệu dân. Bên cạnh đó, trước tốc độ đô thị hóa, tốc độ phát triển dân số cơ học tại các đô thị lớn đã bộc lộ nhiều bất cập của công tác cấp, thoát nước. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng dự án Luật Cấp thoát nước.
Thực hiện yêu cầu được giao, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực rà soát, tổng hợp ý kiến của các địa phương cùng với việc rà soát 20 Bộ Luật có liên quan. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp ngành nước nghiên cứu xây dựng dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước, gồm có: dự thảo đánh giá, tổng kết các khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; dự thảo các vấn đề xây dựng điều chỉnh cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; dự thảo Đề cương chi tiết Luật điều chỉnh về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.
Theo đó, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã xây dựng dự thảo đề án Luật gồm 7 Chương, 69 Điều, cơ bản đưa ra 5 nhóm vấn đề để giải quyết các bất cập, tồn tại gồm: Phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; Quản lý vận hành công trình cấp nước, thoát nước; Quản lý dịch vụ cấp nước, thoát nước; Tài chính trong hoạt động cấp nuớc, thoát nước; Quản lý nhà nuớc về cấp nước, thoát nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, đơn vị cấp, thoát nước đã chia sẻ về những bất cập trong công tác cấp, thoát nước và có đề xuất, kiến nghị góp ý xây dựng dự thảo Đề án luật. Trọng tâm là cần có sự đồng bộ giữa Luật Cấp, thoát nước với các luật khác có liên quan; đánh giá tác động của chính sách xã hội hóa trong cấp thoát nước; đưa chính sách đầu tư riêng đối với cấp nước và thoát nước.
Các đại biểu cũng cho rằng, nội dung xây dựng luật cần quy định rõ hơn cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết các sự cố liên quan đến cấp, thoát nước; quy hoạch cấp, thoát nước nên lồng ghép vào quy hoạch cấp tỉnh để các địa phương chủ động trong quá trình triển khai thực hiện; nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong quá trình thực hiện; đảm bảo hướng đến các dịch vụ cấp nước tốt nhất cho người dân; đưa ra những quy định về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực cấp, thoát nước, về quản lý, duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước; xây dựng cơ sở hệ thống dữ liệu cấp, thoát nước...
Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến góp ý của đại diện các Bộ, ngành, các đơn vị cấp thoát nước, đại diện Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Đề án Luật Cấp, thoát nước cho biết thời gian tới đây, đơn vị sẽ tổ chức các hội thảo tương tự tại khu vực miền Trung và miền Nam nhằm bảo đảm việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước trên cơ sở tham vấn, tiếp thu ý kiến rộng rãi ở các vùng miền, các địa phương trên cả nước.
Chủ tịch Hội Cấp, thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho biết: Trong bối cảnh ngành Nước Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là những khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, cũng như sức ép từ sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa, Hội Cấp, thoát nước Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, nâng cao vai trò hơn nữa nhằm đưa ngành Nước tiến tới một tương lai bền vững, bảo đảm thực hiện thành công chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra, cùng Mục tiêu Phát triển Bền vững số 6 về bảo đảm nước sạch và dịch vụ vệ sinh cơ bản cho mọi người của Liên Hợp quốc.