Đã phát hiện ca bệnh than thứ 14 tại Điện Biên, lý do bệnh có dấu hiệu gia tăng

Ngày 5.6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên thông báo đã ghi nhận trường hợp thứ 14 mắc bệnh than tại tỉnh này.

Ghi nhận 14 ca bệnh than tại 2 huyện của tỉnh Điện Biên

Ca bệnh mới là môt bệnh nhi 2 tuổi, địa chỉ tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo. Hiện chưa xác định nguồn lây bệnh của trường hợp này.

Trước đó, từ ngày 5.5, đến ngày 30.5, trên địa bàn huyện Tủa Chùa, Điện Biên đã ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc tại xã Mường Báng (1 ổ dịch), xã Xá Nhè (2 ổ dịch). Tất cả các trường hợp mắc đều có tiền sử dịch tễ liên quan đến giết mổ và ăn thịt trâu, bò. Các bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế. Hiện chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Bộ Y tế cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về công tác phòng chống dịch bệnh than trên người.

Theo Bộ Y tế, bệnh than còn gọi là bệnh nhiệt thán, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm của các loài động vật máu nóng (gia súc, động vật hoang dã), có thể lây truyền từ động vật sang người qua việc tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt gia súc đặc biệt là trâu, bò, ngựa bị bệnh, ốm chết hoặc tiếp xúc với môi trường, đất có vi khuẩn than.

Bệnh than là bệnh lưu hành địa phương, thường xảy ra ở nơi có ổ dịch cũ. Những người mắc bệnh chủ yếu ở thể da, thường lành tính và rất hiếm khi lây trực tiếp từ người sang người.

Qua điều tra và xét nghiệm đã phát hiện ra vi khuẩn than trong mẫu thịt trâu, bò ốm chết và mẫu đất thu thập tại các hộ gia đình giết mổ trâu, bò ốm và những hộ gia đình có người nghi mắc bệnh than tại khu vực ổ dịch huyện Tủa Chùa.

Bộ Y tế cũng cho hay, các ca bệnh than được ghi nhận ở 2 xã của huyện Tủa Chùa đều là những xã đã từng xuất hiện ổ dịch than trước đây. Các trường hợp mắc này đều liên quan tới việc tham gia giết mổ và sử dụng thịt của trâu, bò ốm chết do bệnh than.

Những người có liên quan tới ổ dịch (người tham gia giết mổ, ăn thịt trâu, bò ốm chết) cũng đã được lập danh sách, theo dõi sức khoẻ và hiện tại sức khoẻ ổn định.

Đã phát hiện ca bệnh than thứ 14 tại Điện Biên, bệnh than nguy hiểm thế nào? -0
Biểu hiện bệnh than trên cơ thể người bệnh tại Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên (Ảnh: Sức khỏe & Đời sống)

Được biết, ngay sau khi nhận được thông tin về các ổ dịch bệnh than tại Điện Biên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã ban hành Công văn gửi Sở Y tế tỉnh Điện Biên và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đề nghị tiến hành các biện pháp giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh than trên người.

Bệnh than đang có dấu hiệu gia tăng tại khu vực miền núi phía Bắc

Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, bệnh than thường lưu hành ở các tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang,… Giai đoạn 2016 - 2022, toàn quốc ghi nhận 7 ca bệnh than/năm, không có ca tử vong

Theo nhận định của Bộ Y tế, so với trung bình số mắc 5 năm gần đây, bệnh than đang có dấu hiệu gia tăng tại khu vực miền núi phía Bắc, do một số nguyên nhân.

Trước hết, bệnh than hiện vẫn là bệnh lưu hành trên đàn gia súc và trên người ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam - là những khu vực có địa hình đồi núi hiểm trở, gây trở ngại lớn trong việc tiếp cận thông tin liên lạc, cũng như hạn chế các hoạt động giám sát và phòng chống dịch.

Mầm bệnh tồn tại bền vững và lâu dài trong môi trường như đất, nước dẫn đến nguy cơ tiếp tục lây lan cho đàn gia súc và từ đó làm tăng nguy cơ lây sang người.

Bên cạnh đó, bệnh liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm và vệ sinh giết mổ động vật. Tại khu vực ổ dịch, người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên khả năng tiếp cận với truyền thông về các biện pháp phòng, bệnh còn hạn chế do các rào cản về địa lý, phong tục, tập quán, ngôn ngữ.

Từ đó, dẫn đến các hành vi nguy cơ như giết mổ, ăn thịt gia súc chết... hoặc không khai báo cho chính quyền địa phương và bán thịt gia súc ốm, chết cho người dân địa phương khác; dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh than trên người có thể xảy ra trong thời gian tới.

Nhận thức của người dân về các biện pháp phòng bệnh cũng như thói quen vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân cũng chưa cao. Đồng thời, thói quen chăn nuôi gia súc cũng dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh sang khu vực khác.

Ngoài ra, bệnh than là bệnh lây truyền từ động vật sang người nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành thú y. Sự phối hợp liên ngành y tế - thú y đôi khi còn chưa được tích cực, chủ động dẫn đến thông tin dịch bệnh không được chia sẻ kịp thời.

Đã phát hiện ca bệnh than thứ 14 tại Điện Biên, bệnh than nguy hiểm thế nào? -0
Mô phỏng vi khuẩn Bacillus anthracis gây bệnh than

Nguyên nhân lây nhiễm bệnh than

Theo CDC Điện Biên, vi khuẩn Bacillus anthracis có khả năng sinh bào tử hay còn gọi nha bào là tác nhân chính dẫn đến bệnh than. Bào tử của vi khuẩn Bacillus anthracis tồn tại rất lâu và có sức sống rất cao trong môi trường tự nhiên, có khả năng chịu nhiệt và đề kháng với một số hóa chất khử trùng.

Con người tiếp xúc với động vật, những sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh, những vết thương, sự hít phải vi khuẩn gây bệnh sẽ gây nên bệnh than. Có 3 thể bệnh than tương ứng với 3 con đường lây nhiễm chính:

Bệnh than nhiễm qua vết thương hở trên da là thể bệnh phổ biến nhất (chiếm 94 - 95%) và cũng ít nguy hiểm. Khi con người tiếp xúc với động vật bị bệnh và các chất thải của chúng, hoặc trực tiếp làm thịt những động vật bị chết do bệnh than, bào tử vi khuẩn than có thể thâm nhập vào cơ thể người thông qua những vết xước hoặc các vết thương hở trên da.

Bệnh than nhiễm qua đường tiêu hóa: Có khoảng 0,5 - 0,7% bệnh nhân mắc bệnh than gặp phải thể bệnh này. Nếu ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ những gia súc mắc bệnh than, nguy cơ lây nhiễm bệnh than qua đường tiêu hóa là rất cao.

Bệnh than nhiễm qua đường hô hấp: Đây là thể bệnh hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời.

Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương phòng chống lây nhiễm bệnh than

Trong công văn gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người tham gia giết mổ và sử dụng cùng nguồn thịt trâu bò với các trường hợp mắc nói trên và những người tiếp xúc gần với với ca bệnh nhằm dự phòng và điều trị kịp thời. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh than. Xử lý môi trường tại khu vực ổ dịch theo quy định.

Thứ hai, tăng cường phối hợp với cơ quan thú y và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện bệnh than trên động vật để có các biện pháp dự phòng kịp thời trên người. Phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch than trên động vật.

Thứ ba, tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ trâu, bò. Khuyến cáo người dân không giết mổ và sử dụng thực phẩm từ trâu, bò, ngựa ốm chết, không rõ nguồn gốc.

Thứ tư, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.

Thứ năm, thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo các quy định.

Cũng tại công văn nói trên, Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ địa phương thực hiện điều tra, giám sát và theo dõi các trường hợp nghi nhiễm, các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh; xử lý ổ dịch theo quy định.

Bên cạnh đó, hướng dẫn và hỗ trợ địa phương xét nghiệm khẳng định các mẫu bệnh phẩm từ các ca nghi nhiễm trên người. Xem xét tập huấn nâng cao năng lực cho địa phương trong giám sát, phát hiện, điều tra và xử lý ổ dịch than trên người cũng như hướng dẫn phối hợp với ngành thú y.

Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi
Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi

Trong lúc thực hiện phương pháp giác hơi để giảm bớt căng thẳng, bà T.T.T., 54 tuổi, ở Long An đã gặp phải sự cố bị cồn nóng đổ vào người. Cồn bắt lửa, bốc cháy, gây bỏng nặng vùng lưng và bụng.

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"
Sức khỏe

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị một trường hợp nguy kịch vì bệnh Whitmore. Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm, kết hợp với nền bệnh lý đái tháo đường không kiểm soát, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!
Sức khỏe

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!

Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định những cơ sở thẩm mỹ Minh Tuyết, Mậm Spa, Trinh Tây Spa chưa được các cơ quan có chức năng cấp phép thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn. Các cơ sở thường thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn lén lút, cảnh giác cao nên rất khó để xử lý, đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan.

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn
Sống khỏe

Cô giáo tiểu học tìm hạnh phúc làm mẹ sau 7 năm hiếm muộn

Trên hành trình tìm con đơn độc của vợ chồng cô giáo Bùi Thị Giang (1988, quê Ninh Bình), chưa bao giờ họ muốn bỏ cuộc, cho dù đa số thời gian người chồng công tác xa, không thể chăm sóc động viên vợ mình. Nhưng chính sự yêu thương chân thành đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để giờ đây mái ấm nhỏ tràn ngập tiếng cười nói của 3 cô con gái đáng yêu.