Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ đưa ra thông báo ngắn gọn về Cuộc đối thoại 3 bên lần thứ 7 tại Hawaii. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản tiết lộ thêm, tham gia đối thoại lần này về phía Mỹ có Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Nam - Trung Á Nisha Biswal cùng Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel. Phái đoàn Nhật Bản do Vụ trưởng Vụ Đông Nam và Tây Nam Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takio Yamada dẫn đầu. Trong khi đó, phía Ấn Độ do các quan chức Bộ Ngoại giao dẫn đầu. Được khởi động từ năm 2011, Đối thoại an ninh ba bên vốn là diễn đàn để Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ trao đổi, thúc đẩy các biện pháp hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Việc không có nhiều thông tin được công bố với báo giới khiến các chuyên gia ít nhiều đồn đoán về tính chất nhạy cảm của sự kiện và không thể không gắn với những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông do các hoạt động đơn phương, phớt lờ luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Thực tế, cả Mỹ, Nhật và Ấn đều có chung mối quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và mỗi nước đều có mâu thuẫn lợi ích với Bắc Kinh ở từng góc độ. Với Nhật Bản, đó là những vấn đề của lịch sử và tranh chấp lãnh hải. Với Ấn Độ, đó là quan ngại về sự bành trướng của Trung Quốc tại Nam Á và Đông Bắc Á. Với Mỹ, cạnh tranh còn khốc liệt hơn khi Trung Quốc hiện là cường quốc thứ hai và thách thức vị thế của Washington trên phạm vi toàn cầu cũng như ở góc độ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với nỗi lo chung đó, cả ba nước đều đang có những điều chỉnh mạnh mẽ chính sách đối ngoại. Cùng với tuyên bố nổi tiếng của Tổng thống Obama trong chuyến công du châu Á năm 2012: “tôi không đến mà tôi trở lại (châu Á), chính sách xoay trục sang châu Á đã định hướng mọi động thái của Mỹ tại khu vực. Trong khi đó, Ấn Độ vốn ít quan tâm tới Đông Nam Á, đã bất ngờ thúc đẩy chính sách “Hành động hướng Đông” sau khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền. Cuối tháng 1.2015, trong chuyến công du New Delhi của Tổng thống Mỹ Barack Obama, lần đầu tiên Ấn Độ và Mỹ đề cập đến vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh biển và bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trên khắp khu vực, đặc biệt tại Biển Đông”. Nhà lãnh đạo New Delhi cũng từng gợi ý khôi phục “Đối thoại An ninh Bốn bên”, một cơ chế an ninh không chặt chẽ hình thành năm 2007 với sự tham gia của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, đồng thời bày tỏ mong muốn New Delhi sẽ đóng vai trò lớn hơn trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) - nơi Ấn Độ có thể góp phần làm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ấn Độ và Mỹ đã đi một bước xa hơn khi ký kết “Tầm nhìn chiến lược chung Ấn - Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, tái khẳng định vị trí của cả hai nước.
Trong khi đó, quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản cũng cho thấy nhiều hứa hẹn khi Ấn Độ đang trở thành khách hàng mua vũ khí đầu tiên của Nhật Bản sau khi Tokyo tự dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt sau Chiến tranh Thế giới II. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới Nhật Bản tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã thúc đẩy khả năng ký kết hợp đồng mua sắm 12 thủy phi cơ lưỡng dụng US-2 ShinMaywa của Nhật Bản với tổng giá trị hợp đồng khoảng 1,65 tỷ USD.
Mặc dù nội dung của cuộc họp kín tại Hawaii không được tiết lộ, song giới phân tích có thể nhìn thấy thế kiềng ba chân đang được định hình.