Không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn thuế
Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn số 2099/TCT-KK về hoàn thuế giá trị gia tăng gửi các Cục Thuế địa phương.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng trên địa bàn, chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng pháp luật quy định, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục trưởng các Cục Thuế phải có trách nhiệm bố trí đầy đủ nguồn lực, đôn đốc các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra hoàn thuế đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã tiếp nhận từ người nộp thuế và được phân loại thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, bảo đảm giải quyết hồ sơ hoàn thuế đúng thời hạn, đúng đối tượng.
Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng đang kiểm tra, xác minh số thuế đủ điều kiện hoàn thì phải thông báo cho người nộp thuế về tiến độ giải quyết hồ sơ, dự kiến thời gian sẽ giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế bảo đảm công khai, minh bạch.
Đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh thì khẩn trương giải quyết hoàn thuế theo quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, không chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế nêu rõ.
Trường hợp hồ sơ đề nghị hoàn thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã chuyển cơ quan điều tra thì phải có thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế được biết và căn cứ kết luận của cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Đối với các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đang có vướng mắc, phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp, các Cục Thuế tổ chức đối thoại ngay trong thời gian từ ngày 29.5 – 2.6.2023 để làm rõ vướng mắc, tổng hợp báo cáo kết quả về Tổng cục Thuế.
Cũng tại Công văn, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế cần chủ động xử lý, giải quyết các vướng mắc trong thẩm quyền. Trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền xử lý thì báo cáo Tổng cục Thuế để được kịp thời hướng dẫn xử lý.
Các Cục Thuế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn đối với quyết định hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, trục lợi trong hoàn thuế nhằm chiếm đoạt ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với số tiền thuế đã hoàn đang chờ kết quả trả lời, xác minh của các cơ quan có liên quan, cơ quan thuế phải nêu rõ trong biên bản kiểm tra, kết luận thanh tra về việc chưa đủ căn cứ kết luận số tiền thuế đủ điều kiện hoàn thuế.
Khi có kết quả trả lời, xác minh của các cơ quan có liên quan, cơ quan thuế xác định số tiền thuế đã hoàn không đủ điều kiện được hoàn thuế thì ban hành Quyết định về việc thu hồi hoàn thuế và xử phạt, tính tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định theo quy định.
Nên có cơ chế đặc biệt cho hoàn thuế
Vấn đề chậm hoàn thuế giá trị gia tăng đã được cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh trong nhiều tháng nay. Trong báo cáo Thẩm tra về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 trình Quốc hội mới đây, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, có những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ hiện đang bị tồn số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được hoàn theo quy định pháp luật lên đến hàng trăm tỷ đồng. Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ để tránh gây ứ đọng vốn và ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp do không được hoàn đối với số thuế đầu vào đã nộp.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình hoạt động của doanh nghiệp tháng 5.2023, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) cũng đề nghị đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp tránh kéo dài như hiện nay.
Ban IV đề xuất một số cơ chế đặc biệt, như cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các đoanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.
Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng trên địa bàn, chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng pháp luật quy định, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.