Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan báo chí đã tham dự buổi lễ.
Đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí
Tiền thân của Cục Báo chí ngày nay là Bộ Thông tin và Tuyên truyền, được thành lập ngày 28.8.1945, do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Ngày 3.5.1946, Nha thông tin Tuyên truyền ra đời, với chức năng “thu thập và truyền bá các tin tức trong nước”, đánh dấu sự ra đời của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin báo chí. Mốc son quan trọng là ngày 16.7.2003, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phạm Quang Nghị ký quyết định thành lập Cục Báo chí.
Sự ra đời của Cục Báo chí đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thông tin thời kỳ này.
Phát biểu khai mạc, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh: Sự ra đời của Cục Báo chí đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin thời kỳ này. Quá trình 20 năm qua, cơ cấu tổ chức của Cục có chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, nhưng dần được hoàn thiện; phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của Cục được mở rộng hơn, với nhiều trọng trách mới, quan trọng hơn, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thế hệ các lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đặc biệt, trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí. Cục Báo chí đã chủ trì, tham gia xây dựng, ban hành 113 văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác, đáng chú ý là: Luật báo chí 2016; Nghị định quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về báo chí trong suốt 20 năm qua đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Cũng theo ông Lưu Đình Phúc, quá trình phát triển, nhất là từ năm 2019 đến nay, công tác quản lý nhà nước về nội dung thông tin đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Việc tăng cường chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí giúp cho báo chí hoạt động đi vào nền nếp, mang tính chuyên nghiệp. Những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật; tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí được chấn chỉnh mạnh tay, có hiệu quả.
“Tự hào về chặng đường 20 năm của một đơn vị non trẻ, nhưng có một quá khứ hào hùng, thế hệ cán bộ Cục Báo chí hôm nay tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tin tưởng của Nhân dân, với sức mạnh được kết tinh từ truyền thống quý báu của lớp lớp cha anh đi trước, Cục Báo chí đã vượt qua và sẽ vượt qua mọi thách thức, khó khăn, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân”, ông Lưu Đình Phúc chia sẻ.
Hoàn thiện thể chế số, đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ cho cơ quan báo chí
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cục Báo chí tròn 20 năm nhưng báo chí cách mạng thì đã có tuổi đời 98 năm. Trải qua 20 năm, chức năng nhiệm vụ của Cục đã được mở rộng hơn trước với nhiều trọng trách mới, thể hiện sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các thế hệ lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bộ trưởng cho rằng, quản lý nhà nước về báo chí là quản lý để phát triển báo chí bền vững. Mục tiêu của quản lý nhằm giúp báo chí cách mạng làm tốt hơn nhiệm vụ của mình trong tình hình mới. Quản lý nhà nước đầu tiên phải là thể chế. Thể chế phải rõ ràng, tường minh, quản lý là tối thiểu nhưng xử phạt phải nghiêm minh, đủ sức răn đe; quản lý phải có công cụ, giám sát toàn diện. Khi thực thi pháp luật phải nghiêm minh, thường xuyên và rộng khắp.
Quản lý nhà nước thời gian qua vẫn còn nặng về quản lý mà nhẹ phần phát triển. Trong khi đó, phát triển cũng là cách để quản lý tốt hơn, có nguồn lực để báo chí không bị thị trường hoá, tư nhân hoá, tự diễn biến, tự chuyển hoá. Để đảm bảo cho người làm báo cách mạng có thể sống và làm nghề một cách lành mạnh, các cơ quan báo chí cần được đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ để không bị lạc hậu so với các doanh nghiệp làm truyền thông trên thị trường. Quy hoạch báo chí đã làm xong phần quy hoạch, nay cần tập trung vào phần phát triển, trọng tâm của quy hoạch.
Từ nay đến năm 2025 cần tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, trong đó Cục Báo chí cần chuyển đổi số mạnh mẽ, đưa các hoạt động của Cục lên môi trường số, dùng công nghệ để quản lý nhà nước về báo chí. Việc xây dựng trung tâm lưu trữ số, có công cụ đánh giá tin bài, xu thế chính trị của từng cơ quan báo chí là công cụ quan trọng để quản lý báo chí trên môi trường số.
"Chuyển đổi số là chuyển sang không gian mới, không gian số thì cũng cần thể chế số. Cục Báo chí cần tập trung hoàn thiện thể chế số; quan tâm công tác đào tạo, trang bị kỹ năng số cho tất cả phóng viên, người làm báo… Cục Báo chí có cũng trách nhiệm để chính quyền các cấp có nhận thức đúng về truyền thông chính sách. Đây là nhiệm vụ của chính quyền các cấp, cần có bộ máy và ngân sách dành cho việc này"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để quản lý nhà nước báo chí là dòng chảy liên tục như dòng sông vẫn chảy nhưng vẫn có cội nguồn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Báo chí cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ. Báo chí trước đây là cây bút, trang giấy thì nay có thêm công nghệ số, nền tảng số nhưng cái bất biến vẫn là giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, vẫn là cái tâm của người cầm bút.. Quản lý nhà nước là tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy báo chí phát triển vừa ngang tầm nhiệm vụ vừa mang tầm thời đại, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Cục Báo chí, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Báo chí, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2017 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí.