Giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh
Theo East Asia Forum, Thủ tướng Mahathir từng nhiều lần gợi ý và đề xuất về việc xây dựng một loại tiền tệ chung cho khu vực, nhất là sau khi châu Á trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ chưa từng có những năm 1997 - 1998. Nhưng liệu đề xuất mới nhất của ông có khả thi hơn trong giai đoạn hiện tại?
Chẳng ai đặt câu hỏi về việc đồng USD là phương tiện tiền tệ ở khu vực châu Á. Bởi đó là quán tính lâu nay trong thương mại quốc tế tại khu vực do Mỹ là một trong những điểm đến lớn nhất của hàng hóa châu lục. Thực tế, sự phụ thuộc của châu Á vào đồng USD còn sâu hơn mức độ quan hệ kinh tế với xứ sở cờ hoa. Sự thống trị của đồng USD cũng thể hiện rất rõ trong các giao dịch tài chính khu vực được thực hiện với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thanh toán quốc tế và Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu.
![]() |
Nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi ở châu Á (EMEs) nắm giữ lượng lớn tài sản dự trữ bằng USD như một phương tiện tự bảo hiểm chống lại những bất ổn tài chính tiềm tàng. Chẳng hạn, chỉ riêng Trung Quốc đã nắm giữ 3,2 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối tính đến cuối năm 2018 (chiếm khoảng 1/3 tổng dự trữ toàn cầu). EMEs ở châu Á nắm giữ hơn 10%, Nhật Bản 10%. Một phần lớn dự trữ, khoảng 60%, được đầu tư vào kho bạc của Mỹ.
Với mức độ phụ thuộc vào đồng USD như thế, các nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt với nhiều cú sốc phát sinh từ những thay đổi trong chính sách và điều kiện kinh tế của Mỹ. Theo một số nhà phân tích, các nền kinh tế này chịu sự điều chỉnh của chu kỳ tài chính toàn cầu, liên quan đến dòng vốn, giá tài sản và tăng trưởng tín dụng.
Tại các thị trường mà dòng vốn di chuyển tự do, chính sách tiền tệ quốc gia của các nước phải tuân theo chính sách tiền tệ của các quốc gia trung tâm. Trong khi nhiệm vụ của Ủy ban Dự trữ liên bang Mỹ (FRB) tập trung vào việc đạt được sự ổn định về sản lượng và giá cả trong nước, thì EMEs dễ bị tổn thương trước “những chu kỳ tài chính toàn cầu” phát sinh từ Mỹ. Các nền kinh tế mới nổi này không có khả năng đưa ra chính sách tiền tệ độc lập, bất chấp tình trạng nền kinh tế của chính mình.
Đồng tiền chung - không phải chuyện một ngày
Nhiều nhà quan sát cho rằng, có một cách rất hiệu quả để châu Á giảm thiểu tiếp xúc với đồng USD là sử dụng đồng tiền chung, như đồng euro. Thực tế cho thấy, euro đã giúp thúc đẩy đầu tư và thương mại cũng như phát triển thị trường chung khu vực. Kể từ khi nó được đưa vào lưu thông vào năm 1999, châu Âu đã được hưởng lợi từ cả khía cạnh khu vực hóa lẫn toàn cầu hóa. Đồng tiền này cũng đã giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lan tỏa từ các nền kinh tế quan trọng.
Năm 2013, Chủ tịch FRB khi đó là ông Ben Bernanke đã đề cập khả năng giảm bớt chính sách nới lỏng định lượng, vốn gây ra sự mất giá thảm hại của các loại tiền tệ của nhiều nền kinh tế đang nổi. Lúc đó, ai cũng nói đến hiện tượng Taper Tantrum, chỉ việc thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi tụt dốc mạnh sau khi nhà đầu tư quốc tế ồ ạt rút vốn khỏi đó. Mặc dù trực tiếp tấn công nhiều nền kinh tế đang lên ở châu Á, nhưng nó hầu như không ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi ở châu Âu, vì ở đây có đồng euro làm đệm đỡ. Các thị trường mới nổi ở Đông Âu không gặp rủi ro vì giá trị tiền tệ của họ chủ yếu liên quan đến đồng euro.
Tất nhiên, đồng euro không phải được xây dựng trong một ngày và sẽ phải mất vài thập kỷ để châu Á chấp nhận một đồng tiền chung. Châu Á cần thiết lập cơ quan tiền tệ chung để phát hành loại tiền mới và trái phiếu có mệnh giá bằng loại tiền này. Điều đó đòi hỏi phải có sự hội nhập và hợp tác tài chính khu vực nhiều hơn, bên cạnh việc điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và chức năng giám sát chung của các tổ chức tài chính tốt hơn. Trên hết là một tầm nhìn chung cho hội nhập tài chính trong tương lai và sự đồng thuận chính trị giữa các quốc gia thành viên.
Với những tiến bộ gần đây trong hội nhập kinh tế ở Đông Á, việc áp dụng một loại tiền tệ chung trong khu vực có thể hợp lý hơn so với 20 năm trước. Nếu đồng tiền quốc tế khu vực như Thủ tướng Malaysia Mahathir gợi ý được sử dụng không chỉ cho các giao dịch thương mại hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới mà còn cho các tài sản tài chính, nó có thể hoạt động như một phương tiện cho vay cứu hộ nếu khủng hoảng xảy ra ở bất kỳ nền kinh tế thành viên nào.
Điều này sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức của Đông Á vào đồng USD. Các quốc gia thành viên của thỏa thuận đồng tiền chung mới có thể được lựa chọn gắn đồng nội tệ của mình với đồng tiền chung mới hoặc chấp nhận đồng tiền mới làm tiền nội tệ.
Mục tiêu cuối cùng của việc giới thiệu loại tiền chung mới không chỉ là tạo thuận lợi cho các giao dịch tài chính và thương mại khu vực, mà còn bảo đảm sự ổn định kinh tế và tài chính ở đây. Đồng tiền chung cũng sẽ góp phần xây dựng một khung thể chế để đối phó với các biến động tài chính.
Vào thời điểm khủng hoảng nợ châu Âu, khu vực đồng euro đã nhanh chóng thành lập các thể chế như Khung tài sản thế chấp Euroystem và Cơ chế ổn định châu Âu (ESM). Với các tổ chức này, châu Âu đã có thể kịp thời chuẩn bị hỗ trợ thanh khoản, nhờ đó duy trì quyền sở hữu của mình trong tình huống khủng hoảng, thay vì mang lại quyền kiểm soát cho Mỹ hoặc bên ngoài. Điều đó là có thể bởi vì Ngân hàng Trung ương châu Âu và ESM đã cam kết trở thành người cho vay khu vực như là phương cách sau cùng.
Các nước Đông Á hiện có thể chưa đủ động lực để tiến tới thiết lập một loại tiền tệ chung. Do vậy, tái đề xuất đổi mới của Thủ tướng Mahathir khó thu hút nhiều quan tâm. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, sự phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD chắc chắn không có lợi cho Đông Á trong tương lai. Theo họ, đồng tiền chung sẽ cho phép Đông Á giải quyết bất ổn tài chính nhanh chóng và hiệu quả, từ đó mang lại lợi ích không chỉ cho châu Á mà cả nền kinh tế thế giới.