Thực hiện thấu đáo, bảo đảm quyền lợi của cử tri

- Thứ Hai, 29/05/2023, 06:55 - Chia sẻ

Phát biểu tại phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội chiều ngày 26.5 về Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng: báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất trách nhiệm, thẳng thắn, đánh giá cụ thể các việc đã làm, những ưu điểm cần phát huy, những hạn chế, vướng mắc và có kiến nghị. Cụ thể, báo cáo đã phân định trách nhiệm giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, nêu cụ thể việc kiến nghị giải quyết không đúng thẩm quyền, những nội dung thuộc trách nhiệm của địa phương nhưng gửi đến các bộ, ngành…

Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu tại Hội trường Diên Hồng chiều ngày 26.5.2023 - ẢNH T. SƯƠNG
Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu tại hội trường ngày 26.5. Ảnh: H. Long

Bên cạnh đó, đại biểu tâm tư về những hạn chế, tồn tại được chỉ ra tại báo cáo, trong đó có nội dung cơ quan bảo hiểm xã hội ở nhiều địa phương đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với số lượng lớn chủ hộ kinh doanh cá thể trên hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước không đúng với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chủ hộ kinh doanh cá thể. Theo báo cáo, việc này đã thực hiện thu từ năm 2003, thống kê số liệu thu sai từ năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Quốc hội từ năm 2020, nhưng đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, báo cáo giám sát mới kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri là quá lâu.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng, không chỉ thực hiện các quy định của Nghị định và Luật không đúng, gây bức xúc dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện mà việc thực hiện các quy định trong Nghị quyết của Quốc hội cũng cần phải được tiếp tục rà soát, xem xét và sớm có giải pháp thực hiện cho thấu đáo, đáp ứng mong muốn, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cử tri và nhân dân; đại biểu dẫn chứng cụ thể trường hợp của tỉnh Ninh Thuận.

Khoản 3, Điều 2 của Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22.11.2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận quy định phải thực hiện việc: “ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chịu ảnh hưởng của việc quy hoạch và triển khai chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”. Tính đến nay đã 7 năm, Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương vùng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vẫn chưa được phê duyệt để triển khai thực hiện.

Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, việc chưa được phê duyệt Đề án liên quan đến việc cho ý kiến giải quyết về vấn đề quy hoạch của các bộ, ngành liên quan. Việc chậm cho ý kiến ảnh hưởng đến thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án, liên quan đến nguồn vốn thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn 273 tỷ đồng dự kiến bố trí Dự án đầu tư hạ tầng, ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Đây là vùng dự án điện hạt nhân của tỉnh Ninh Thuận. Việc kéo dài thực hiện Đề án sẽ gây khó khăn, bức xúc cho cử tri và nhân dân vùng dự án. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc thực hiện quy định của Quốc hội như đã báo cáo. Việc này cũng đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội giám sát tại vùng dự án và đã báo cáo tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV.

T. MAI