Chuyển đổi số để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng được chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Trong đó, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3.6.2020 đã đặt mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng chỉ rõ 8 lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Để triển khai có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật; thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng để phát triển, cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, an toàn, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.
Trong tiến trình chuyển đổi số chung của ngành ngân hàng, BHTGVN đã và đang triển khai từng bước chuyển đổi số một cách đồng bộ trên tất cả các mặt hoạt động. Nội dung này được đề cập trong Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, BHTGVN đã ban hành các văn bản triển khai chuyển đổi số trong toàn hệ thống Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số tại BHTGVN.
BHTGVN tiếp tục thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với tiềm lực về tài chính, nhân sự, hệ thống cơ sở hạ tầng… Đồng thời, xác định rõ chiến lược xây dựng tổ chức bảo hiểm tiền gửi số hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, chú trọng cấu phần bảo đảm an ninh, an toàn, nhất là an ninh mạng; xây dựng, phát triển và nhất quán thực hiện văn hóa số, trong đó có văn hóa ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu.
Bên cạnh đó, BHTGVN luôn đề cao phương châm "lấy người gửi tiền làm trung tâm", hướng tới phổ biến, tuyên truyền để người gửi tiền nhận thức được tính tiện ích của các dịch vụ số hóa, đẩy mạnh các giao dịch trực tuyến, khuyến khích sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Mặt khác, BHTGVN cũng đang từng bước thiết kế phần mềm ứng dụng, số hóa quy trình nghiệp vụ, làm cơ sở bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.
BHTGVN tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua tăng cường tích hợp công nghệ thông tin trong các quy trình quản trị và quản lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi từ trụ sở chính đến các chi nhánh, nhằm bắt kịp với sự phát triển công nghệ hiện đại và hệ thống ngân hàng. Hoàn thiện cơ chế quản trị công nghệ thông tin, tăng cường bảo mật và an toàn hệ thống.
Giải pháp cho lộ trình chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, phức tạp, thực hiện trong nhiều năm, bao gồm nhiều bước. Vì vậy, cần có tầm nhìn xa nhưng chia mục tiêu và lộ trình thành nhiều phần nhỏ, bước nhỏ để thực hiện; không nên phức tạp hóa, trừu tượng hóa, nhưng cũng không được đơn giản hóa chuyển đổi số. Các yếu tố tác động đến chuyển đổi số có liên quan mật thiết và tác động đan xen, phức tạp.
Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, BHTGVN cần:
Thứ nhất, có chiến lược kỹ thuật số thật sự thu hút và hấp dẫn, điều chỉnh chuyển đổi số phù hợp với mục tiêu hoạt động. Theo đó, BHTGVN cần xác định được ý tưởng, mục đích và nắm chắc các cơ sở về chuyển đổi số, xác định trọng tâm và đối tượng mà BHTGVN hướng tới. Khi đã có ý tưởng và chiến lược chuyển đổi số, điều quan trọng là phải tiếp cận, sắp xếp để chuyển đổi thành công. Chuyển đổi số không chỉ dựa vào công nghệ thông tin, mà còn phải phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu và giá trị của tổ chức.
Thứ hai, phát triển hạ tầng số, nền tảng số. Tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số, hạ tầng số phải được xem là yếu tố nền tảng cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư sớm bảo đảm sự đồng bộ, hiện đại. Kế hoạch xây dựng hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số phải trên cơ sở kế thừa, phát triển từ các nền tảng hạ tầng sẵn có; xác định rõ mục tiêu, ưu tiên bố trí nguồn lực để tập trung thực hiện đồng bộ nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu, như: hạ tầng băng thông rộng, hạ tầng Internet vạn vật (IoT); hạ tầng điện toán đám mây; trung tâm tích hợp dữ liệu, trung tâm giám sát an toàn thông tin; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng…
Thứ ba, xây dựng, phát triển dữ liệu số. Yếu tố quan trọng của bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào chính là dữ liệu số. Nếu không có dữ liệu số, không thể xác định mô hình hoạt động số và tiến hành chuyển đổi số. Để công cuộc chuyển đổi số thành công, trong quá trình triển khai xây dựng dữ liệu, BHTGVN phải có chiến lược cụ thể. Quá trình triển khai, xây dựng, phát triển dữ liệu số bao gồm: Xác định mục đích sử dụng dữ liệu, thu thập nguồn dữ liệu, số hóa dữ liệu; triển khai kết nối liên thông dữ liệu từ các hệ thống, chuẩn hóa, tái cấu trúc cơ sở dữ liệu đang hoạt động thông qua các hệ thống, nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu; hình thành, xây dựng kho dữ liệu dùng chung của toàn hệ thống trên cơ sở vừa cung cấp dữ liệu phục vụ chuyển đổi số ở các lĩnh vực đang triển khai, cũng như khai thác trực tiếp để phục chuyển đổi số ở các lĩnh vực mới.
Thứ tư, phát triển ứng dụng số hóa (hoạt động số). Sự biểu hiện cụ thể của quá trình chuyển đổi số chính là việc xác định mô hình chuyển đổi, lựa chọn các ứng dụng số (các phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, công cụ hỗ trợ…) để tổ chức hoạt động số dựa trên các yếu tố hạ tầng số, nền tảng số, nguồn dữ liệu số, cơ sở pháp lý, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nguồn nhân lực…
Thứ năm, đào tạo đội ngũ nhân lực có các kỹ năng, kiến thức chuyên môn liên quan đến chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số đòi hỏi đội ngũ lao động và lãnh đạo phải thích ứng và vận hành theo mô hình mới, có được các kỹ năng, kiến thức chuyên môn sẽ đem lại hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi số. Do đó, BHTGVN cần đào tạo và trang bị cho nhân viên các kỹ năng cần thiết, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với môi trường công nghệ thay đổi liên tục.
Thứ sáu, tập trung đầu tư vào công nghệ. BHTGVN cần áp dụng công nghệ số để từng bước kết nối các hệ thống hiện có thành một hệ thống thông tin xuyên suốt trên tất cả các mặt hoạt động; xây dựng cơ sở dữ liệu chung trong toàn bộ hệ thống; không ngừng nâng cấp các hệ thống hiện tại; áp dụng công nghệ số mới để bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho dữ liệu của toàn hệ thống.
Ngoài những vấn đề cơ bản nêu trên, để chuyển đổi số thành công còn phụ thuộc vào các yếu tố: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số; bảo đảm an toàn và an ninh thông tin; xây dựng, hình thành văn hóa số…