Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, quy tụ gần 100 đại biểu trực tiếp đến từ Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, cùng gần 200 đại biểu tham dự trực tuyến là các doanh nghiệp cảng biển, các nhà quản lý đến từ các cảng, bộ ngành liên quan và các giảng viên đại học.
Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Cảng biển APEC, các cảng thành viên của Hiệp hội Cảng biển ASEAN và Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực trong nước và quốc tế.
Các đại biểu đã lắng nghe các chuyên gia trong lĩnh vực cảng biển chia sẻ về kinh nghiệm áp dụng cảng xanh, cảng điện tử, các giải pháp tăng hiệu quả khai thác cảng cũng như các phương pháp quản lý hiệu quả nguồn nhân lực để tối ưu hóa hoạt động của cảng biển, chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển cảng bền vững, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Tại đây, các đại biểu chỉ ra rằng, có hơn 80% hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển nhưng đã có khoảng hơn tỷ tấn khí thải nhà kính, chiếm gần 3% lượng khí thải toàn cầu do hoạt động của con người gây ra bởi ngành vận tải biển. Cảng biển là cửa ngõ cần thiết để hàng hóa và dịch vụ được vận chuyển trên toàn thế giới, đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa, bảo đảm giao thương giữa các quốc gia nhưng cũng là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Do đó, phát triển cảng bền vững đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu, một xu thế tất yếu của không chỉ của các doanh nghiệp khai thác cảng mà còn của Chính phủ các quốc gia, các tổ chức hiệp hội quốc tế.
Các nhà khai thác cảng hàng đầu trên thế giới hiện nay luôn phải bảo đảm rằng quá trình phát triển, xây dựng, mở rộng được lập kế hoạch và quản lý cẩn thận, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường xung quanh. Trong tương lai, các cảng trong khu vực Đông Nam Á sẽ ngày càng bị siết chặt hơn về các quy định cắt giảm khí thải, giảm thiểu mức độ ô nhiễm không chỉ từ các khách hàng, hãng tàu mà còn từ các cảng đích tại nhiều khu vực trên thế giới.
Theo các chuyên gia, cảng bền vững được định nghĩa là các chiến lược và hoạt động của cảng phải đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của những người sử dụng cảng, đồng thời, bảo vệ và duy trì nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên. Mục đích chính là tìm kiếm một phương pháp quản lý cảng an toàn, được xã hội chấp nhận, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường...