Xem lại việc bố trí kế hoạch vốn, giám sát đầu tư
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu thống nhất cao với báo cáo của UBND tỉnh: 6 tháng đầu năm, kinh tế Bắc Giang tiếp tục đạt kết quả tích cực, toàn diện với nhiều điểm sáng, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Với tinh thần trách nhiệm, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, từ đó “hiến kế” nhiều giải pháp tháo gỡ chất lượng.
Quan tâm đến tình trạng 6 tháng đầu năm, tổng giá trị giải ngân chỉ đạt hơn 1,8 nghìn tỷ đồng, bằng 21,2%, thấp hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2023, đại biểu Chu Thị Toan (huyện Sơn Động) kiến nghị cần tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm; các cơ quan quản lý đầu tư cần tăng cường giám sát các chủ đầu tư thực hiện dự án, chủ đầu tư tăng cường giám sát nhà thầu thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời lập hồ sơ, thủ tục thanh toán theo đúng tiến độ…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thị Thu Thủy đã chỉ ra 5 nhóm nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp như: các huyện, thị, thành phố cần tập trung cao thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đối với các dự án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao; giải quyết tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư…
Tuy nhiên, trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận tổ và tại Hội trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành cho rằng những nguyên nhân đưa ra chưa đầy đủ, bởi chính sách hiện nay đã phần nào tháo gỡ nhiều khó khăn hơn năm trước. Do đó, đề nghị ngành cần xem lại việc bố trí kế hoạch vốn, giám sát đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước, giám sát của chủ đầu tư đối với nhà thầu thi công; UBND tỉnh, ngành kế hoạch và đầu tư quan tâm, sát sao hơn những nội dung này để công tác đầu tư và giải ngân đạt kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2024.
Qua thảo luận của các đại biểu cũng nổi lên tình trạng thu gom, xử lý rác thải tại nguồn chưa hiệu quả, đã phân loại rác nhưng khi thu gom lại để chung với nhau, đổ chung một chỗ; tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung còn chậm. Trong khi đó, quy định phân loại rác thải tại nguồn sẽ bắt đầu từ năm 2025, nếu không có kế hoạch cụ thể, quyết liệt chỉ đạo sẽ khó thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả. Vì vậy, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp để không thu gom chung, không đổ chung rác đã phân loại; bố trí nguồn lực để đầu tư thêm các bãi xử lý rác riêng, hỗ trợ kinh phí mua sắm phương tiện thu gom, vận chuyển... Đây là nội dung cần thiết và phải thực hiện ngay, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nội dung này, giao nhiệm vụ gắn trách nhiệm người đứng đầu và kiểm tra thường xuyên đối với UBND cấp huyện, xã trong chuẩn bị các điều kiện để thực hiện.
Sử dụng hiệu quảkinh phí thực hiện chính sách
Vụ vải thiều năm 2024 do điều kiện thời tiết, sản lượng giảm mạnh so với năm trước, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp. Đại biểu Tạ Quang Khải (huyện Yên Dũng) đề nghị UBND, ngành tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo các nghị quyết HĐND tỉnh đề ra để bù đắp sự thiếu hụt của vụ vải thiều, phấn đấu cuối năm hoàn thành các chỉ tiêu…
Trao đổi làm rõ tại hội trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thi khẳng định, những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thông qua việc ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, năm 2023, UBND tỉnh Bắc Giang đã trình HĐND tỉnh ban hành 5 nghị quyết trực tiếp hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ sản xuất giống phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Ngay sau khi các chính sách được ban hành, đã có 10/10 huyện, thị, thành phố triển khai hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản ngay từ năm đầu tiên với vốn đăng ký hỗ trợ trên 58,2 tỷ đồng. Sở đã hỗ trợ trên 532 tấn giống lúa thuần chất lượng cho hàng chục nghìn hộ… Qua đó, từng bước tạo động lực để các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Đối với sản lượng vải thiều năm 2024 giảm một nửa so với năm trước do điều kiện thời tiết, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu của ngành năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai, khai thác dư địa cây trồng, vật nuôi còn khả năng phát triển để bù đắp sản lượng vải thiểu giảm của năm 2024. Cùng với đó, để các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đi vào cuộc sống nhanh, hiệu quả, các địa phương cần tiếp tục dành sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí thực hiện các chính sách đã phân bổ về cho địa phương…