Bảo đảm tính khả thi trên thực tế
Khái niệm về tổ chức quốc tế và các khu vực quan trọng được xác định như thế nào? Và phải chăng chỉ các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân đều trình ra QH phê chuẩn, hay QH còn phê chuẩn cả việc thực thi các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân? Đây là câu hỏi được nhiều Ủy viên UBTVQH đặt ra với Ban soạn thảo khi đề nghị làm rõ thẩm quyền của QH trong phê duyệt, phê chuẩn các điều ước quốc tế.
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, thẩm quyền phê chuẩn, phê duyệt các điều ước quốc tế phải quy định rõ và cụ thể ngay trong Dự thảo Luật, thay vì chỉ thể hiện lại như Khoản 14, Điều 70, Hiến pháp 2013. Hiện Dự thảo Luật chỉ nêu chung chung, chưa làm rõ cách thức, tổ chức thực hiện thẩm quyền của QH trong phê duyệt, phê chuẩn, thực hiện việc gia nhập các điều ước quốc tế là chưa hợp lý. Đơn cử, Dự thảo Luật quy định QH, UBTVQH, Đoàn ĐBQH, ĐBQH tổ chức giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế - quy định này có chồng chéo với quy định của Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND hay không? Việc Đoàn ĐBQH giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế được thực hiện tại địa phương có dẫm chân với hoạt động giám sát của HĐND tại địa phương? Có chồng chéo với quy định của Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND?
Quy định tù mù sẽ gây khó khăn cho thực tiễn triển khai, khiến Dự thảo Luật không khả thi khi được thông qua. Đáng lưu ý nhất là quyền con người, quyền công dân không phải chỉ được thừa nhận, tuyên bố gia nhập các điều ước quốc tế, mà quan trọng nhất là thực thi quyền con người, quyền công dân như thế nào? Đâu phải QH chỉ tuyên bố, phê chuẩn, thông qua điều ước quốc tế mà QH phải bảo đảm tính khả thi của điều ước quốc tế, bảo đảm nội luật hóa được điều ước quốc tế khi đi vào thực tiễn Việt Nam - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông thẳng thắn. Chính vì vậy, Dự thảo Luật khi quy định thẩm quyền của QH phê duyệt các điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người, quyền công dân phải làm rõ quy trình, thủ tục việc thực hiện quyền con người, quyền công dân như thế nào? Quá trình kiểm tra, tống đạt tư pháp ra sao? Không phải cứ trình QH thông qua, phê chuẩn - như vậy quá hẹp với thẩm quyền của QH. Ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện, khả thi trên thực tế.
Phân định rõ cấp ủy quyền và trách nhiệm của cấp ủy quyền
Không chỉ xác định chưa rõ thẩm quyền của QH, một số Ủy viên UBTVQH còn cho rằng quy định về thẩm quyền quyết định đàm phán điều ước quốc tế của Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ trong Dự thảo Luật cũng cần xem lại. Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, Điều 10 Dự thảo Luật quy định: Chủ tịch Nước quyết định đàm phán, ủy quyền đàm phán, chủ trương đàm phán, kết thúc đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ quyết định bắt đầu đàm phán, ủy quyền đàm phán và kết thúc đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ. Vậy cấp nào là cấp được Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền và trách nhiệm của cấp ủy quyền đàm phán điều ước quốc tế ra sao?
Ước tính, trung bình mỗi năm Việt Nam ký kết hơn 100 điều ước quốc tế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, thương mại… Việc ký kết các điều ước quốc tế quan trọng như Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Hiến chương ASEAN… là những dấu mốc quan trọng đánh dấu tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam. Tới đây, với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế (sắp tới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC...) đòi hỏi một quy trình ký kết điều ước quốc tế nhanh chóng, linh hoạt để tranh thủ cơ hội, phục vụ lợi ích của đất nước. Dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế đã đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, về thẩm quyền cũng như sự kiểm tra, phân công, giám sát của cơ quan nhà nước nhằm tránh sơ hở, rủi ro khi gia nhập điều ước quốc tế cần được quy định rõ. Quyền chủ động đề xuất phải đi kèm với trách nhiệm trong việc ký kết điều ước quốc tế và nghĩa vụ triển khai thực hiện điều ước quốc tế. Khắc phục thực trạng có điều ước quốc tế chưa thật sự đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội như mong muốn. Một số điều ước quốc tế làm phát sinh quyền, nghĩa vụ cho cá nhân, tổ chức. Một số điều ước quốc tế không triển khai được vì thiếu cơ sở thực tế, kém khả thi.
Muốn vậy, trước hết phải bắt đầu từ cơ sở pháp lý là Dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế. Luật càng chặt chẽ, minh bạch, phân định rõ thẩm quyền thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế sau này, góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của nước ta.
PCN Ủy ban Pháp luật LÊ MINH THÔNG: Dự thảo Luật bỏ sót quy định liên quan đến ký kết, phê duyệt khoản vay ODA Khoản 4, Điều 21 Luật Quản lý nợ công đã quy định: Việc ký kết phê duyệt thỏa thuận khung về vay ODA, thỏa thuận vay cụ thể nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại bỏ sót, không quy định các khoản vay nợ ODA, hoặc vay cụ thể nhân danh Nhà nước, tức là đã tạo ra lỗ hổng về mặt pháp lý liên quan đến nợ công và vay nước ngoài nhân danh Nhà nước. Ban soạn thảo phải giải trình, vì sao chưa quy định quy trình, thủ tục các khoản vay nhân danh Nhà nước, và vay nợ ODA. |