Thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả, bảo đảm quy hoạch được thực hiện đúng

- Thứ Năm, 20/06/2024, 16:01 - Chia sẻ

Chiều nay, 20.6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn và Hậu Giang.

Các đại biểu Quốc hội nhất trí ban hành các Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Địa chất và Khoáng sản với các lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. 

Thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả, bảo đảm quy hoạch được thực hiện đúng -0
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Phân loại rõ ràng giữa các loại và cấp độ quy hoạch

Nêu quan điểm về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị làm rõ mối quan hệ tính thứ bậc giữa quy hoạch đô thị và nông thôn. Đại biểu cho biết, hiện nay có nhiều luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch như: Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Nhà ở năm 2023 và gần đây nhất là Luật Đất đai năm 2024 (trong đó, Luật Nhà ở, Luật Đất đai đang trình Quốc hội xem xét, quyết định có hiệu lực từ 1.8.2024 tới).

"Điều này sẽ tác động đến sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về quy hoạch. Do vậy, việc làm rõ sự đồng bộ trong các mối quan hệ sau đây là thực sự cần thiết và quan trọng, như: mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; mối quan hệ của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành", đại biểu Lưu Bá Mạc nói. 

Trên tinh thần đó, đại biểu đề nghị cần phân loại rõ ràng giữa các loại và cấp độ quy hoạch để tránh chồng chéo, xây dựng một hệ thống phân loại quy hoạch thống nhất, chi tiết và minh bạch. Về tính đồng bộ hóa quy trình và trách nhiệm, theo đại biểu, cần đặt ra các quy định rõ ràng về trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch, bảo đảm tính nhất quán và hiệu quả.

Thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả, bảo đảm quy hoạch được thực hiện đúng -0
Quang cảnh thảo luận Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Về bảo đảm nguồn lực, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị tạo cơ chế bảo đảm tài chính và nhân lực cho việc lập và triển khai quy hoạch, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn lực gây khó khăn cho các địa phương và doanh nghiệp. Cùng với đó, cần thiết lập cơ chế giám sát và phản hồi hiệu quả để bảo đảm quy hoạch được thực hiện đúng quy định và nhu cầu phát triển bền vững.

Liên quan đến nội dung này, tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ quan hệ giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch chung huyện với nội dung phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện trong quy hoạch tỉnh.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát các quy định và làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị nông thôn và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định rõ căn cứ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các quy hoạch này, tránh gây vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt là làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch chung huyện với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, giữa quy hoạch chung xã với chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ tới đơn vị hành chính cấp xã tại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, xử lý trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch này; trường hợp tỉnh dự kiến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa 3 quy hoạch cùng tồn tại trên địa bàn tỉnh là quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị mới dự kiến thành thành phố trực thuộc trung ương và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.  

Địa phương tự lập và điều chỉnh quy hoạch, nhưng cần giám sát và hỗ trợ từ Trung ương 

Về tăng cường phân cấp, phân quyền trong quy hoạch đô thị và nông thôn, các đại biểu nêu thực tế hiện nay, việc tổ chức lập và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị tại các địa phương còn thiếu chủ động do quy định hiện tại là yêu cầu trách nhiệm và phê duyệt từ cấp trung ương. Do vậy, để tăng cường tính chủ động cho các địa phương, đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường phân cấp cho địa phương theo hướng: cho phép địa phương tự lập và điều chỉnh quy hoạch, nhưng cần có giám sát và hỗ trợ từ trung ương để đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả.

Cùng với đó, cần quy định rõ trách nhiệm theo hướng: xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình lập và thẩm định quy hoạch, bảo đảm rằng quá trình này diễn ra nhanh chóng và hiệu quả mà không gây chậm trễ cho các địa phương.

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cũng đề nghị bổ sung nội dung theo dõi, giám sát khi thực hiện quy hoạch vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bởi đây là nội dung được người dân rất quan tâm, các loại quy hoạch cần được người dân theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Quỳnh Chi
#