Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng

- Thứ Tư, 26/06/2024, 09:15 - Chia sẻ

Sáng 26.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, với 452/459 tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, đạt 93.00%.

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Nghị quyết gồm 4 chương, 18 điều, quy định về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết quyết nghị: Chính quyền địa phương ở thành phố là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND Thành phố và UBND Thành phố. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc Thành phố là UBND quận. Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại Thành phố là UBND phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng -0
Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Ảnh: Lâm Hiển

HĐND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn: quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm của Thành phố; Thông qua chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quận, phường…

Việc thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP) được quy định, đó là ngoài các lĩnh vực quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chợ. Tổng mức đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chợ không thấp hơn 100 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án  PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa do HĐND Thành phố quy định. UBND Thành phố ban hành giá dịch vụ cho thuê diện tích bán hàng tại chợ để đưa vào hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư…

Nghị quyết cũng quyết nghị việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu, có các khu chức năng được quy định tại Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định pháp luật. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng…

Rà soát kỹ, tránh tạo xung đột pháp luật, vướng mắc trong triển khai, thực hiện

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các chính sách trong dự thảo Nghị quyết, tránh tạo ra những xung đột pháp luật, vướng mắc trong triển khai, thực hiện.

Về thẩm quyền của HĐND TP. Đà Nẵng (Điều 5), có ý kiến cân nhắc về tính phù hợp của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch quận tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 5, do hiện tại, căn cứ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch quận không có.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đã bỏ nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.

Về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do (Điều 13), đối với chủ trương thành lập: Một số ý kiến cho rằng, các chính sách cho khu thương mại tự do chưa có chính sách nổi trội, bứt phá; nhiều chính sách về thuế còn điểm tương tự như khi áp dụng với khu kinh tế. Có ý kiến đề nghị mở rộng chính sách thành “thí điểm thành lập khu thương mại tài chính tự do Đà Nẵng”; thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Đà Nẵng. Có ý kiến thí điểm khu thương mại tự do trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích dân tộc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn đã có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng và của cả Vùng.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng -0
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, đây là chính sách mới, chưa được thực hiện tại Việt Nam, Nghị quyết mang tính chất thí điểm; các chính sách là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Do vậy, cần thận trọng, có bước đi chắc chắn, không quy định những vấn đề chưa được đánh giá kỹ lưỡng, mang tính rủi ro cao. Hơn nữa, các chính sách cần được nghiên cứu, xây dựng căn cứ trên khả năng tổ chức thực hiện, nguồn lực tài chính, điều kiện đáp ứng của TP. Đà Nẵng. Do vậy, tại thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ phạm vi chính sách như dự thảo Nghị quyết.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về các nội dung, như: quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên; đầu tư phát triển vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo…

T. Trung
#