Dự án Luật Phòng thủ dân sự:

Có cần thiết thành lập Quỹ phòng thủ dân sự?

- Thứ Năm, 06/04/2023, 18:05 - Chia sẻ

Đó là câu hỏi được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Có ý kiến cho rằng, việc thành lập Quỹ nhằm thực hiện phòng thủ chủ động, từ sớm, từ xa. Nhưng với việc các Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước hoạt động không hiệu quả, việc thành lập thêm Quỹ mới đã thực sự cần thiết? 

 Huy động nguồn lực xã hội 

Quỹ phòng thủ dân sự là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thống nhất với cơ quan soạn thảo đề nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến về 2 phương án.

Phương án 1 cũng là phương án Chính phủ đề xuất quy định: Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động quy định tại Khoản 2, Điều 41. Quỹ phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự. Quỹ phòng thủ dân sự được sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động như cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa; hỗ trợ tu sửa nhà ở, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học.

Nguồn tài chính của Quỹ phòng thủ dân sự Trung ương bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước. Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều tiết từ các quỹ để phục vụ việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa. Nguồn tài chính của Quỹ phòng thủ dân sự cấp tỉnh bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước…

Phương án 2 quy định, trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Cơ bản đồng tình với phương án 1, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu), ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) khẳng định, việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm tạo cơ chế pháp lý linh hoạt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu khắc phục sự cố, thảm họa trong những trường hợp khẩn cấp. Quỹ thành lập với mục đích huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng theo yêu cầu Nghị quyết 22 – NQ/TW ngày 30.8.2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, thực hiện phòng thủ chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa. Đồng thời, quy định thành lập Quỹ phòng thủ dân sự cũng phù hợp với quy định tại Điều 31, dự thảo Luật về huy động, vận động đóng góp tự nguyện và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ.

Trùng với nhiệm vụ chi của Quỹ Phòng, chống thiên tai?

Còn băn khoăn với quy định thành lập Quỹ, ĐBQH Hoàng Thị Thúy (Tây Ninh) phân tích, việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ làm phát sinh khoản chi phí thường xuyên cho hệ thống quản lý Quỹ, do Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nên phải thường xuyên bổ sung vốn để duy trì Quỹ. Trong khi đó, chúng ta đang rà soát lại các Quỹ tài chính ngoài ngân sách, vậy có nên thành lập Quỹ mới hay không? 

Trích dẫn tại Điều 55 dự thảo Luật Phòng thủ dân sự có quy định, “Ban chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn”, đại biểu Hoàng Thị Thúy đề nghị, có thể giao thêm nhiệm vụ cho Quỹ Phòng, chống thiên tai trong việc thực hiện các quy định về phòng thủ dân sự, thay vì thành lập thêm Quỹ mới.

Trên cơ sở lấy ý kiến cử tri tỉnh Điện Biên về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) đề nghị lựa chọn phương án 2, vì hiện có nhiều Quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả và không huy động được nguồn vốn. Hơn nữa, nếu lựa chọn phương án 1 thì không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, bởi theo quy định hiện hành, ngân sách nhà nước đã bố trí nguồn dự toán ngân sách và dự phòng ngân sách để thực hiện nhiệm vụ chi cho công tác phòng thủ dân sự. Như vậy, nhiệm vụ chi của Quỹ Phòng thủ dân sự trong dự thảo Luật trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Dự thảo Luật cũng quy định Quỹ Phòng thủ dân sự được điều tiết từ Quỹ tài chính ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự, nhưng đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, quy định này không phù hợp với yêu cầu về khả năng tài chính độc lập khi thành lập Quỹ và không phù hợp với quy chế hoạt động của các Quỹ tài chính ngoài ngân sách khác. Nội dung chi của Quỹ Phòng thủ dân sự lại trùng với nội dung chi của Quỹ Phòng, chống thiên tai. Do vậy, nên chăng tiếp cận theo hướng củng cố các Quỹ hiện có về lĩnh vực sự cố, thảm họa, thiên tai và có thể huy động sử dụng cho phòng thủ dân sự theo các luật chuyên ngành.

Giải trình về vấn đề này, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương nêu rõ, phòng thủ dân sự có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, xử lý các vấn đề tầm quan trọng quốc gia để bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế như: phòng, chống khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, môi trường. Như vậy Quỹ Phòng thủ dân sự được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong bối cảnh sự cố xảy ra rất cần thiết, khẩn trương và phải thực hiện được ngay.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn chứng thảm họa động đất như Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua sẽ rất khó để huy động được nguồn lực lớn để giải quyết vấn đề, nhưng nếu có Quỹ Phòng thủ dân sự thì sẽ giải quyết được ngay những vấn đề cấp bách và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.

Nhấn mạnh, Quỹ Phòng thủ dân sự không trái với các quy định về ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ, Quỹ Phòng thủ dân sự do Chính phủ thành lập, có nguồn thu từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện đóng góp. Trong trường hợp cấp bách thì Thủ tướng Chính phủ mới điều tiết từ các Quỹ khác có liên quan đến phòng thủ dân sự. Quỹ Phòng thủ dân sự độc lập với ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương và Nhân dân bị thiệt hại. Bộ Tài chính được giao là cơ quan quản lý và hướng dẫn sử dụng Quỹ này một cách chặt chẽ nhất. Quỹ Phòng thủ dân sự cũng không thay thế Quỹ Phòng, chống thiên tai, chỉ khi vượt quá khả năng của Quỹ Phòng chống thiên tai mới sử dụng đến Quỹ Phòng thủ dân sự.

Quan điểm của cơ quan soạn thảo là cần có Quỹ Phòng thủ dân sự để giải quyết vấn đề ngay từ đầu. Tuy nhiên, với những ý kiến băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyển các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo để nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới. 

Anh Thảo
#