Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV:

Bảo vệ quyền lợi khách hàng khi ngân hàng ngừng giao dịch trực tuyến

- Thứ Hai, 05/06/2023, 17:22 - Chia sẻ

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung quy định về ngừng giao dịch trực tuyến, tuy nhiên, các đại biểu lưu ý, trường hợp ngân hàng ngừng giao dịch trực tuyến kèm với một số nội dung, tin tức tiêu cực về ngân hàng đó có thể dẫn đến việc người dân lo lắng và rút tiền hàng loạt. Do vậy, cần quan tâm bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi ngân hàng ngừng giao dịch trực tuyến.

Bảo vệ quyền lợi khách hàng khi ngân hàng ngừng giao dịch trực tuyến
Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bình Định, Sóc Trăng, Điện Biên, Đà Nẵng thảo luận tại tổ. Ảnh: Hồ Long

Bảo đảm thanh toán đúng hạn gốc và lãi các khoản tiền gửi

Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, thảo luận tại tổ chiều nay, 5.6, các đại biểu cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các Nghị định, Quyết định, Thông tư có liên quan đến các tổ chức tín dụng đã được áp dụng phổ biến, có tính ổn định để nghiên cứu đưa vào dự thảo luật, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của các quy định, tránh tình trạng luật khung, luật ống.

Các đại biểu cũng đánh giá cao ban soạn thảo đã bổ sung quy định về ngừng giao dịch trực tuyến. Bởi lẽ, thời gian qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng. Người dân thực hiện hoạt động rút tiền, hay như gửi tiền tiết kiệm cũng đã thực hiện online qua các website hoặc ứng dụng trên các thiết bị di động, trừ một số giao dịch đặc biệt buộc chủ tài khoản phải có mặt tại chi nhánh hoặc văn phòng giao dịch của tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) lưu ý, quy định tại Khoản 5, Điều 10 dự thảo Luật về ngừng giao dịch trực tuyến đang phát sinh 3 tình huống. Một là, ngừng giao dịch chính thức (offline) tại các phòng giao dịch, trụ sở ngân hàng nhưng không ngừng giao dịch trực tuyến (online). Hai là ngừng giao dịch trực tuyến nhưng vẫn hoạt động giao dịch tại phòng giao dịch hoặc trụ sở ngân hàng. Ba là, ngừng giao dịch chính thức với cả hai hình thức online và offline.

Bảo vệ quyền lợi khách hàng khi ngân hàng ngừng giao dịch trực tuyến -0
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu

Do đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị, cần quy định đồng thời cả 2 hình thức công bố ngừng giao dịch trực tuyến là vừa niêm yết tại nơi giao dịch, vừa thông báo/công bố trên website, ứng dụng trên các thiết bị di động để bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin đến khách hàng. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ khách hàng.

Lo ngại về quyền lợi của khách hàng trong trường hợp ngân hàng ngừng giao dịch, ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo Luật chưa có quy định rõ về đối tượng, trường hợp ngừng giao dịch trực tuyến. Việc ngừng giao dịch trực tuyến tiềm ẩn một số rủi ro. Trong trường hợp ngân hàng ngừng giao dịch trực tuyến kèm với một số nội dung, tin tức tiêu cực về ngân hàng đó có thể dẫn đến việc người dân lo lắng và rút tiền hàng loạt. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định, trường hợp ngừng giao dịch trực tuyến thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo ngừng giao dịch, thời gian ngừng giao dịch, lý do ngừng giao dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tin nhắn chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm ngừng giao dịch.

ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cũng đề nghị, để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, bảo đảm sự tin tưởng của khách hàng, nhất là thời gian vừa qua đã xảy ra sự cố tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) khi ngân hàng ngừng giao dịch, dự thảo Luật cần quy định bảo đảm cho khách hàng gửi và rút tiền thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi.

Có hàng lang pháp lý đầy đủ cho ngân hàng số

Nhận định dự thảo Luật chưa giải quyết được vấn đề xóa bỏ tín dụng đen, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho biết, vừa qua, lực lượng công an trên toàn quốc đã triệt phá nhiều đường dây đòi nợ bằng các thủ đoạn cưỡng ép, phạm pháp – điều này chứng tỏ tín dụng đen vẫn tồn tại dai dẳng, chuyển từ hình thức này qua hình thức khác.

Bảo vệ quyền lợi khách hàng khi ngân hàng ngừng giao dịch trực tuyến -0
ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên). Ảnh: Quang khánh

Để xóa bỏ tín dụng đen, phải giải quyết tận gốc vấn đề. Vì hệ thống tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn nên người dân mới phải tìm đến tín dụng đen. Các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu vay ngắn hạn vì đều có thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay, trong khi vay tín chấp cá nhân thường gặp nhiều rủi ro. Nêu thực tế này, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị, phải ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ.

Đáng lưu ý, dự thảo Luật chỉ có một quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng được quy định tại Điều 96. Về cơ bản, nội dung này không thay đổi so với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh, quy định này không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số cho ngành ngân hàng; đồng thời không phản ánh đúng thực tiễn hoạt động của ngành ngân hàng hiện nay khi đã xuất hiện nhiều dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ngân hàng số do các tổ chức tín dụng phối hợp với các công ty fintech cung cấp.

Theo số liệu thống kê do Ngân hàng Nhà nước công bố, từ năm 2020 – 2023 đã có 11,9 triệu tài khoản và 10,8 triệu thẻ ngân hàng được mở thông qua định danh điện tử, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động đạt 165% về khối lượng và 97% về giá trị. "Đây rõ ràng là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn, giúp ngành ngân hàng Việt Nam đón đầu xu hướng chung của thế giới", do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị, cần quan tâm, khuyến khích và có hàng lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động ngân hàng số trong tương lai.

Hoàng Ngọc
#