Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi):

Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi

- Thứ Sáu, 09/06/2023, 12:57 - Chia sẻ

Tham gia thảo luận tại tổ 9 (gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre) về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay, 9.6, các đại biểu khẳng định sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai hiện hành, đồng thời nhấn mạnh, đây là dự luật đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, đời sống của nhân dân.

Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi -2
 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre thảo luận tại tổ. Ảnh: Hồ Long

Gửi văn bản thu hồi đất cho người dân có đất bị thu hồi

Nhấn mạnh trong lần sửa đổi này, cần làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện quyền sở hữu, quản lý và sử dụng đất, ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) nêu rõ, Nhà nước sử dụng đất dưới nhiều hình thức, như đất vì mục đích quốc phòng - an ninh nhà nước, đất gắn với các dự án kinh tế - xã hội lớn. Theo đó, dự thảo Luật cần phân biệt rõ: Đất nào vì mục đích quốc phòng - an ninh; đất nào nằm trong quốc phòng có tính chất lưỡng dụng (có thể là công trình dân sự vào thời bình nhưng có thể là công trình quân sự khi có chiến tranh); đất trong lực lượng quốc phòng - an ninh sử dụng nhưng vì mục đích dân sự, kinh tế - xã hội.

Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi -4
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

"Cần rà soát và làm rõ những vấn đề này, tránh vướng mắc khi xử lý đất đai có liên quan đến quốc phòng - an ninh", đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị.

Đánh giá cao quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 86, dự thảo Luật, ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) cho rằng, "quy định này khá hợp lý và sát thực tiễn". Dự thảo Luật quy định nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi. Đồng thời, đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 18 - NQ/TW ngày 16.6.2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với đất bị thu hồi thời gian qua từng bước hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho người có đất bị thu hồi, ổn định đời sống và sản xuất. Khẳng định kết quả này, tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ, quá trình thực hiện hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng, dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi -1
Đại biểu Dương Bình Phú (Phú Yên) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Do đó, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị, dự thảo Luật cần tiếp tục thể chế hóa các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần được thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất và cần được thực hiện một cách công khai, có giám sát, đúng quy định về giá, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi.

Cùng với đó, việc bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng phải bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tránh xảy ra tranh chấp dai dẳng, kéo dài, dễ trở thành "điểm nóng" cho các đối tượng thù địch lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để kích động, chống phá Đảng, Nhà nước.

Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi -0
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan điểm, ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho rằng, trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan biết chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. Đồng thời, đề nghị xem xét, bổ sung quy định thời gian thông báo thu hồi đất trong trường hợp khẩn cấp hoặc thi công các công trình cấp bách để bảo đảm căn cứ thực hiện thống nhất.

Quy định quyền được yêu cầu cung cấp thông tin về đất đai của công dân

Liên quan đến Khoản 1, Điều 25, dự thảo Luật quy định công dân có quyền tiếp cận các thông tin, một số đại biểu nêu vấn đề, tại Điều 25 không quy định kèm theo những cách thức cụ thể để công dân có thể thực hiện việc tiếp cận những nguồn thông tin, vì thế sẽ gây khó khăn cho người dân trong quá trình áp dụng. Mặt khác, những thông tin đất đai này sẽ được công bố rộng rãi trên cổng thông tin điện tử cho công dân biết, hay chỉ cung cấp khi có yêu cầu là vấn đề pháp lý cần được quy định rõ ràng.

Đại biểu Dương Bình Phú đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét, chỉnh sửa Khoản 4, Điều 25 theo hướng: “Thông tin đất đai được công bố trên cổng thông tin điện tử và cung cấp cho công dân khi có yêu cầu. Việc tiếp cận thông tin đất đai thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật về tiếp cận thông tin”.

Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân có đất bị thu hồi -3
Đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) đề nghị, Điều 25 dự thảo Luật cần bổ sung tương đồng hoặc chỉ dẫn đến quy định của Luật Tiếp cận thông tin liên quan đến thông tin phải được công khai để tiếp cận theo quy định. Hiện nay, Điều 17, Luật Tiếp cận thông tin quy định về thông tin phải được công khai. Ngoài ra, quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở cũng xác định những trường hợp nào cần công khai. Do đó, quy định tại Điều 25 cần được rà soát với các quy định liên quan đến nội dung tiếp cận thông tin theo pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật dân chủ ở cơ sở.

Hoàng Ngọc
#