Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận thảo luận tổ:

Bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các công ước quốc tế

- Thứ Bảy, 08/06/2024, 14:22 - Chia sẻ

Sáng 8.6, thảo luận tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận), các đại biểu nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người và đề nghị rà soát, sửa đổi một điều trong Bộ Luật Hình sự để bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các công ước quốc tế.

Đa số ý kiến đại biểu tại tổ cho rằng, sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật. 

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho biết, khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật được mở rộng hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự (Điều 150. Tội mua bán người và Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi). Theo đó, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi hành vi mua bán người đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các công ước quốc tế
ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu

"Là một đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người thì việc mở rộng hơn hành vi mua bán người so với quy định của Bộ luật Hình sự là phù hợp. Điều này phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong phòng ngừa và đấu tranh đối với nạn mua bán người, vừa bảo đảm tiệm cận quy định tại các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên". 

Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị, cùng với việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người cũng cần sửa 1 điều của Bộ luật Hình sự, bảo đảm phù hợp với các công ước quốc tế. Bởi nếu chỉ sửa Luật Phòng, chống mua bán người thì sẽ có sự vênh nhau giữa các luật. 

Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các công ước quốc tế
Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 12 (Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận)

Về giải thích từ ngữ tại khoản 1, Điều 2 quy định “Mua bán người” là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác. Việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), thực tiễn có trường hợp trẻ em bị bắt cóc bán đi làm con nuôi nhưng không được quy định trong dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu, rà soát hành vi này để bổ sung quy định cho chặt chẽ và đầy đủ; đồng thời, cần bổ sung đối tượng trẻ con bị bắt cóc về làm con nuôi vào quy định về nạn nhân là người bị xâm hại bởi hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều 2 và được cơ quan có thẩm quyền xác định.

Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các công ước quốc tế
ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu

Tại khoản 4, Điều 5 dự thảo Luật quy định: hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị, cần bổ sung thêm khu vực trọng yếu và biên giới.

Ngoài ra, theo đại biểu, sửa đổi Luật lần này cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người tại trường học, gia đình và xã hội nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong phòng, chống mua bán người, đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.

Tin, ảnh: Quang Khánh
#