Nhận diện khó khăn, chỉ rõ trách nhiệm

- Chủ Nhật, 07/04/2024, 07:02 - Chia sẻ

Để chuẩn bị cho Quốc hội xem xét báo cáo chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” vào Kỳ họp thứ Bảy tới,  Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc rất tích cực và trách nhiệm với các bộ, ngành, địa phương. Cử tri và Nhân dân mong rằng, bên cạnh những “quả ngọt”, giám sát là để nhận diện những hạn chế, khó khăn và chỉ rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc chậm trễ thực hiện chương trình.  

Được cử tri và Nhân dân đánh giá là quyết sách đúng đắn, kịp thời, sáng tạo của Quốc hội với nhiều chính sách đặc biệt, đặc thù, chưa từng có tiền lệ, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện. Nhờ đó, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Đó là thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đạt 44.458 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch. Thực hiện chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong số 130,7 nghìn tỷ đồng vốn Chương trình bố trí cho các dự án kết cấu hạ tầng, đã giao chi tiết 130,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 99,6% nguồn lực...

Đáng chú ý, nghị quyết của Quốc hội cũng cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình. Cũng trong 2 năm này, Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình.

Có thể thấy, cơ chế đặc thù từ nghị quyết của Quốc hội đã tạo động lực mới, “niềm vui mới” cho những người trong cuộc - cơ quan ban hành chính sách và các cơ quan đã, đang nỗ lực ngày đêm để đưa chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả nhất. Việc áp dụng cơ chế chỉ định thầu đã giúp rút ngắn trình tự, thủ tục, giảm thời gian lựa chọn nhà thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai song song các thủ tục đầu tư. Việc thực hiện cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu thi công giúp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục khoảng 10 tháng so với quy trình thông thường, các nhà thầu chủ động được nguồn cung.

Kết quả này cho thấy, lợi ích mang lại từ cơ chế đặc thù, đặc biệt đã được lượng hóa bởi những con số rất cụ thể khi giảm được chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ngoài ra, việc thực hiện phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản các dự án, giúp các địa phương chủ động huy động hiệu quả nguồn lực của địa phương, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh một số thủ tục đầu tư.

Bên cạnh những “quả ngọt”, quá trình triển khai các chính sách đặc thù cũng bộc lộ những vướng mắc, tồn tại. Đó là việc ban hành một số văn bản hướng dẫn còn chậm so với yêu cầu. Kết quả thực hiện và giải ngân một số chính sách còn thấp. Dù không nhiều nhưng vẫn xảy ra tình trạng sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các dự án thuộc chương trình dẫn đến phải sửa lại danh mục dự án, gây mất thời gian, chi phí.

Chính sách được ban hành khẩn trương, kịp thời chỉ thực sự phát huy ý nghĩa và hiệu quả khi có sự đồng tốc, đồng lực của cơ quan triển khai thực hiện. Việc đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những kết quả đã đạt được; nhận diện những hạn chế, khó khăn, thẳng thắn chỉ rõ trách nhiệm trong thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã ban hành là điều rất quan trọng để rút ra bài học, giải pháp hữu hiệu cho thời gian tới.  

Cử tri và nhân dân mong rằng, ngoài việc nhận diện những hạn chế, khó khăn vướng mắc để kịp thời có giải pháp điều chỉnh, khắc phục, qua hoạt động giám sát cần công khai, chỉ rõ những bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong triển khai thực hiện chương trình. Chậm trễ do đâu, vì lý do chủ quan, hay khách quan? Chậm trễ vì lý do khách quan sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát phải thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc, những sai phạm phải được xử lý, những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, đáp ứng yêu cầu thực tế. Công cụ mạnh nhất, chế tài mạnh nhất của giám sát chính là công khai, minh bạch kết quả giám sát ra xã hội.

Song Hà
#