Các dự án thành phần được triển khai thi công đợt này gồm đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu; đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa; trạm biến áp 500kV Thanh Hóa; và đường dây Nhà máy nhiệt điện Nam Định - Phố Nối. Trước đó, cuối tháng 10.2023, EVNNPT đã khởi công dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối dài gần 520km, tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng, đi qua địa bàn 9 tỉnh gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường năng lực lưới điện truyền tải 500kV Bắc - Trung, tăng cường truyền tải điện từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó, dự án góp phần giảm bớt nguy cơ quá tải cho các đường dây 500kV hiện hữu.
Đợt thiếu điện trầm trọng mùa hè năm 2023 đã một lần nữa chứng tỏ tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của dự án này. Vào thời điểm đó, giả sử 85 dự án điện năng lượng tái tạo (tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Nam) có đầy đủ hồ sơ pháp lý và hoàn tất đàm phán bán điện với EVN thì cũng không thể đưa nguồn điện này ra Bắc, bởi đường dây 500kV mạch 3 mới được đầu tư từ phía Nam ra đến Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Cũng vì tính cấp bách như vậy, vào tháng 7.2023, Thủ tướng yêu cầu tháng 6.2024 phải hoàn tất dự án để tăng cung ứng, giảm thiếu điện cho miền Bắc; dù rằng ở thời điểm đó dự án vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Thời gian qua, Bộ Công thương, các bộ liên quan cùng với EVN và EVNNPT đã rất nỗ lực hoàn thành thủ tục cũng như các điều kiện cần thiết để khởi công toàn bộ các dự án thành phần. Nỗ lực này xứng đáng được ghi nhận! Song, nhìn về phía trước, yêu cầu vận hành dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài trong tháng 6.2024 vẫn là thách thức lớn vì dự án chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp. Chẳng hạn, đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu; Quỳnh Lưu - Thanh Hóa dài khoảng 316,7km địa điểm xây dựng có địa hình phức tạp và chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện thời tiết bất lợi. Mặt khác, việc thực hiện các thủ tục chuyển đổi sử dụng đất rừng để xây dựng dự án thường kéo dài, thuận lợi cũng cần tới 10 - 18 tháng. Theo các nhà chuyên môn, thời gian thực hiện dự án có quy mô tương tự là khoảng 50 tháng kể từ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi; đó là chưa xét đến rủi ro trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Việc yêu cầu dự án phải hoàn thành đầu mùa hè năm nay cho thấy sự sốt ruột của người đứng đầu Chính phủ cũng như quyết tâm của các đơn vị trong việc triển khai dự án nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho miền Bắc. Vào lúc này, các bộ, ngành, địa phương liên quan cùng với EVN và EVNNPT càng phải nỗ lực hơn nữa và tập trung hơn nữa trong các phần việc của mình, nhằm dồn lực đẩy tiến độ dự án nhanh nhất có thể. Cùng với đó, Bộ Công thương và EVN cũng nên tính toán thêm các phương án để miền Bắc không xảy ra thiếu điện trầm trọng cho đến khi đường dây 500kV mạch 3 kéo dài được hoàn thành.