Để ngân quỹ không tồn dư triệu tỷ!

- Thứ Sáu, 02/06/2023, 05:42 - Chia sẻ

Việc ngân quỹ quốc gia đang tồn hơn 1 triệu tỷ đồng phải gửi ngân hàng một lần nữa nóng lên trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách. Nói “một lần nữa” bởi vấn đề này cũng được các đại biểu đề cập với mối quan tâm đặc biệt trong phiên thảo luận tổ trước đó. Để ngân quỹ nhà nước không tồn dư lớn và gây lãng phí như vậy, có một việc làm được ngay mà chưa cần phải thay đổi gì về thể chế, đó là chuẩn bị dự án đầu tư phải làm tốt, làm thực chất.

Trên hội trường ngày 31.5, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng ngân quỹ nhà nước đang tồn đọng 1 triệu tỷ đồng, đây là số tiền lớn “rất lớn”. Ông đề xuất có thể linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc; hoặc xây nhà ở cho thuê tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và đào tạo, chuyển nghề cho công nhân; theo ông Tuấn, giải pháp này sẽ kích cầu ngay cho nền kinh tế.

Bấm nút tranh luận, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chia sẻ với sự sốt ruột của ĐBQH Trần Anh Tuấn và đồng tình nên linh hoạt nguồn vốn đang tồn trong ngân quỹ này. Tuy nhiên, ông Đồng cho rằng, sự linh hoạt là trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và tháo gỡ thủ tục hành chính để đưa tiền vào đúng địa chỉ, tức là vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho kinh tế. Nếu những công trình đã và đang được chuẩn bị đầu tư, cần nguồn vốn này mà không có thì có khi sự lãng phí này sẽ sinh ra sự lãng phí khác.

Giải trình về số tiền tồn dư ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang gửi 895.000 tỷ đồng lãi suất 0,8% một năm tại Ngân hàng Nhà nước và gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại 130.000 tỷ đồng. Ông cho hay, đây là nguồn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn cho các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia. Tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân chứ không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác. 

Sự sốt ruột của đại biểu khi ngân quỹ nhà nước tồn dư cả triệu tỷ đồng là dễ hiểu, bởi đây vừa là sự lãng phí, vừa khiến nền kinh tế mất đi động lực tăng trưởng. Nhưng, đúng như Bộ trưởng Tài chính nói, không thể dùng 1 triệu tỷ đồng tồn dư trong ngân quỹ nhà nước cho các mục đích khác, bởi số tiền này đều đã có “địa chỉ” giải ngân cụ thể, rõ ràng.

Mặc dù vậy, có hai vấn đề đặt ra ở đây; một mặt phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, chương trình để đưa tiền ngân sách từ két sắt ngân hàng nhanh chóng chảy vào nền kinh tế, nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội; mặt khác, dù sốt ruột nhưng cũng không được phép cực đoan đẩy tiền ra bằng mọi giá, vì điều này có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, việc ngân quỹ nhà nước tồn dư lớn cũng đặt ra câu hỏi có hay không tình trạng đầu tư bằng được - tức là tìm mọi cách để có dự án. Khi có dự án thì cố gắng chuẩn bị theo hướng làm nhanh nhất có thể, nên dẫn đến khả năng không khả thi, chưa sát với thực tế cả về sự cần thiết, tiến độ, và không dự báo hết những khó khăn phát sinh. Thực hiện một dự án có rất nhiều khó khăn phải lường trước. Ví dụ, một dự án giao thông có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên vật liệu, hoặc vấn đề thời tiết, sụt lở… dẫn đến việc phải điều chỉnh dự án nhiều lần, làm chậm tiến độ giải ngân, hoàn thành dự án.

Ở góc độ này, để ngân quỹ nhà nước không tồn dư số tiền khổng lồ, gây lãng phí, thì công tác chuẩn bị dự án đầu tư phải làm tốt, làm thực chất, có tính đến các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh để đưa ra một kế hoạch thực hiện khả thi. Thay vì tâm lý cố gắng đưa ra kế hoạch thời gian thực hiện dự án nhanh nhất nhằm tăng tính thuyết phục của dự án, hãy tính toán thực chất hơn, thậm chí dự tính cả rủi ro trong thực hiện thủ tục (thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài). Đây là việc có thể làm được ngay mà chưa cần phải thay đổi gì về thể chế!

Cẩm Phô