"Cẩm nang" cho hoạt động giải trình

- Thứ Ba, 12/12/2023, 07:25 - Chia sẻ

Tại Phiên họp thứ 28, dự kiến khai mạc ngày mai (13.12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Hoạt động giải trình là một hình thức giám sát quan trọng của Quốc hội đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước. Do đó, việc ban hành “cẩm nang” hướng dẫn tổ chức giải trình là rất cần thiết nhằm đưa hoạt động này đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Thực tế, từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 được ban hành, hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện. Tính từ Quốc hội Khóa XIV đến nay, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện được 31 phiên giải trình với nhiều đổi mới.

Thông qua hoạt động này, các cơ quan của Quốc hội đã thu thập được thông tin nhiều chiều về vấn đề yêu cầu giải trình, trong đó có thông tin quan trọng từ các đối tượng thụ hưởng chính sách. Các phiên giải trình cũng góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề thời sự, tạo chuyển biến tích cực đến quản lý nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; đồng thời giảm tải áp lực đối với hoạt động giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ở một khía cạnh khác, các phiên giải trình thể hiện rõ tinh thần Quốc hội đồng hành, chia sẻ với Chính phủ và những chủ thể có liên quan, cùng tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội.

Hoạt động giải trình đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 82), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (Điều 43). Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ mang tính nguyên tắc. Hiện chưa có quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn vấn đề giải trình, người được yêu cầu giải trình, người tham gia giải trình, trách nhiệm của người được yêu cầu giải trình... Cũng do chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiến hành phiên giải trình nên việc tổ chức có lúc chưa thống nhất giữa các Ủy ban; chưa tạo được tính chủ động cho các chủ thể yêu cầu giải trình, người được yêu cầu giải trình; thiếu thông tin mang tính phản biện, thiếu sự tham dự của chuyên gia hoặc đối tượng chịu tác động của chính sách. Những điều này phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giải trình.

Từ thực tế này, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (thực hiện Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 3.8.2022 của Đảng đoàn Quốc hội) xem xét ban hành Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Một điều đặc biệt, dù đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, song để bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự thảo Nghị quyết, trong quá trình soạn thảo, Tổng Thư ký Quốc hội đã thực hiện nhiều quy trình để huy động trí tuệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội các khóa có kinh nghiệm trong hoạt động giám sát. Ở bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết gồm 21 điều chia thành 4 chương, quy định rõ ràng và chi tiết từ phạm vi giải trình, tiêu chí chọn vấn đề giải trình và người được yêu cầu giải trình, nguồn thông tin để lựa chọn vấn đề giải trình, trình tự tổ chức… cho đến việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận giải trình. Các nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện trong Phiên họp thứ 28. 

Khi được ban hành, "cẩm nang" hướng dẫn toàn diện, đầy đủ và cụ thể các vấn đề, các bước của hoạt động giải trình, gồm cả các quy định đã có ở các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, sẽ đưa hoạt động giải trình bước sang một trang mới - sôi nổi hơn, chất lượng hơn và góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội. Sự ra đời của Nghị quyết này cũng tiếp tục cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của Quốc hội Khóa XV trong việc tìm tòi, đổi mới hoạt động để Quốc hội gần dân hơn, hiệu quả hơn và phục vụ lợi ích người dân tốt hơn.

Hà Lan
#