Ngành tỷ USD nhưng lại vắng bóng FDI
Tại hội thảo “Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 20.7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung và thị trường dược phẩm Việt Nam nói riêng đang gia tăng nhanh chóng, đang có giá trị hơn 20 tỷ USD, chiếm khoảng 6% GDP trong năm 2022. Dự báo, con số này sẽ tăng khoảng 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 33,8 tỷ USD vào năm 2030.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Việt Nam cần đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nhằm phát triển ngành công nghệ dược phẩm tại Việt Nam trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu này, theo Luật Đầu tư, ngành sản xuất thuốc nguyên liệu sản xuất thuốc và các sinh phẩm thuốc dược phẩm, y học cổ truyền... đều là những lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và được hưởng ưu đãi cao nhất.
Dù vậy, tốc độ tăng trưởng, phát triển của ngành dược vẫn chưa đạt kỳ vọng. Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Văn Sử thừa nhận, hơn 1 năm qua vắng bóng các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành dược trong nước. Nếu chia theo ngành, nông nghiệp là lĩnh vực thu hút vốn FDI thấp nhất, chiếm chưa đến 4% tổng số vốn FDI vào Việt Nam. Nhưng nếu tính theo phân ngành, thì mảng dược phẩm, y tế còn thấp hơn nữa, chỉ đạt 5,5 tỷ USD vào 341 dự án; tương đương 1,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Một số "điểm nghẽn" xuất phát từ các cơ chế đặc thù của ngành dược, bao gồm khó khăn từ đấu thầu, kiểm soát dược phẩm, công bố sản phẩm, kiểm nghiệm… Cùng với đó, sự phát triển của ngành dược cũng gắn liền với quá trình từ nhà nước nắm 100% cho tới cổ phần hóa và cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng tiếp cận, muốn trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, với doanh nghiệp có vốn nhà nước thì quy trình rất phức tạp, với doanh nghiệp tư nhân thì yếu tố quản trị doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn theo lối quản trị gia đình, thiếu sự minh bạch, chịu ảnh hưởng từ các ý kiến của người thân trong gia đình.
GS.TS. Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội cho rằng, chúng ta có nhiều chính sách nhưng chưa đủ. Đơn cử như từ lúc lập dự án tới khi đầu tư có khi phải mất 5 năm, thời gian rất dài, các doanh nghiệp FDI sẽ muốn cơ chế thông thoáng hơn. Hoặc chưa có chương trình cho vay ưu đãi để đầu tư vào công nghệ cao trong lĩnh vực dược phẩm…
Chính sách cần cạnh tranh hơn
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group cho biết, trong 10.000 phương án thử nghiệm thuốc thì chỉ 1 sản phẩm thành công và chỉ 1/3 số thành công có thể đưa vào hoạt động thương mại. Bởi vậy, đầu tư vào dược phẩm rất lớn.
Các công ty dược phẩm sinh học đã và đang duy trì tổng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) hơn 1.000 tỷ USD trên toàn cầu trong một thập kỷ, tính đến năm 2030. Trung bình, tỷ trọng đầu tư vào R&D thường chiếm 15% doanh thu của công ty dược, mất 10 - 15 năm và chi phí 2,6 tỷ USD để phát triển một loại thuốc mới, từ lúc nghiên cứu tới lúc thuốc được phê duyệt theo quy định... Đây cũng là lý do các doanh nghiệp dược rất cẩn trọng trong việc đầu tư ra ngoài và thực hiện việc chuyển giao công nghệ.
Một nghiên cứu toàn cầu cho thấy có 10 yếu tố giúp quốc gia thành công trong thu hút chuyển giao công nghệ vào đất nước, bao gồm các yếu tố ổn định chính trị, minh bạch, ổn định... Việt Nam đã có định hướng cho phát triển dược phẩm trong tương lai, chúng ta cần thêm thị trường vốn phù hợp, môi trường minh bạch sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lực lượng lao động trình độ cao và những ưu tiên rõ ràng...
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, nhiều quốc gia trong khu vực đã bắt đầu có hành động và Việt Nam cần ý thức được sự cạnh tranh đầu tư từ các quốc gia khác và đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư. Do vậy, Chính phủ cần tập trung cải cách thể chế, môi trường chính sách để nâng cao tính ổn định, có thể dự báo, tăng khả năng thu hút đầu tư mới.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, các nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến các chính sách hỗ trợ hay ưu đãi tài chính mà còn rất quan tâm đến sự an toàn, ổn định, yên tâm đầu tư, tránh thay đổi vì đầu tư vào ngành dược thường rất lớn. Vị này nhấn mạnh, khi tham vấn chính sách, các nhà hoạch định cần lưu tâm đến nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, chứ không đơn thuần là những điều cơ quan quản lý hay doanh nghiệp trong nước muốn. Cạnh tranh quốc tế đang rất lớn nên chính sách của Việt Nam cũng cần cạnh tranh và lợi thế hơn, liều lượng và cách nghĩ phải thật sự khác mới thúc đẩy phát triển.
Để khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào ngành dược, các chuyên gia cũng đề xuất thêm, cần có những ưu đãi thuế như miễn thuế 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Về phía Bộ Y tế cũng cần có các danh mục phân định rõ thuốc công nghệ cao, việc này san sẻ rủi ro cho các doanh nghiệp và khuyến khích các công ty phát triển, nghiên cứu.