Gọng kìm của NATO
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, lực lượng phản ứng nhanh, cơ sở cho lực lượng đồn trú tại 6 nước khu vực Đông Âu (Lithuani, Latvia, Estonia, Ba Lan, Bulgaria, Romania), sẽ được tăng gấp 3 lần, từ 13.000 người lên 40.000 người. NATO cũng sẽ thành lập một lực lượng can thiệp hiệu quả có thể được triển khai trong vài ngày, với số lượng 5.000 binh lính được không quân và hải quân yểm trợ. Ngoài 6 trung tâm chỉ huy đã mở ở Đông Âu trong năm 2015, từ nay đến cuối năm, NATO sẽ mở thêm 2 trung tâm chỉ huy mới. Bên cạnh đó, NATO cũng triển khai nhiều máy bay chiến đấu trên lãnh thổ các quốc gia Baltic như 4 máy bay F-16 của Bỉ được triển khai trong 4 tháng đầu năm, sứ mệnh “cảnh sát trên không” triển khai từ căn cứ không quân ở Estonia, triển khai nhiều tàu trên Biển Baltic và Biển Đen cũng như tăng cường diễn tập quân sự ở Đông Âu. Năm 2017, Mỹ dự kiến cung cấp 3,4 tỷ USD cho sáng kiến “tái trấn an châu Âu” bằng việc bảo đảm sự luân chuyển số lượng binh sĩ trong khu vực cùng với nhiều xe tăng, xe bọc thép. Đây được xem là một tín hiệu mạnh của NATO ngoài các biện pháp đã được áp dụng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine nhằm trấn an các đồng minh ở Đông Âu.
Theo Tổng thư ký Stoltenberg, động thái trên gửi đi một thông điệp rõ ràng là “NATO sẽ đáp trả với tư cách là một khối trước mọi hành động gây hấn đối với bất kỳ đồng minh nào”. Một lực lượng đa quốc gia sẽ được thành lập để cho thấy việc tấn công một nước sẽ là hành động tấn công nhằm vào tất cả các nước đồng minh. Tổng thư ký NATO cũng cáo buộc rằng, “một nước Nga với hành động quyết liệt hơn đã sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới” và NATO hiện phải đối mặt với “môi trường an ninh thách thức nhất”.
![]() Nguồn: Russia Insider |
Cảnh báo của Nga
Ngay lập tức, Đại diện thường trực của Nga tại NATO Aleksander Grushko tuyên bố, NATO đang đi ngược lại những cam kết về tiếp tục đối thoại với Nga. Ông Grushko chỉ ra rằng tình hình an ninh tại châu Âu phụ thuộc trực tiếp vào quan hệ giữa Nga và NATO, cũng như nền tảng của quan hệ đó. Theo ông, nền tảng đó đã bị rạn nứt do chính sách “kiềm chế Nga” của NATO đã được hiện thực hóa qua những động thái quân sự gần đây của NATO. Đại diện Nga lưu ý rằng Hiệp ước cơ sở Nga - NATO năm 1997 vẫn là một trong những cột trụ của nền an ninh toàn châu Âu. Phá hoại thỏa thuận đó sẽ làm mất đi những định hướng quan trọng trong lĩnh vực quân sự - chính trị, làm mất ổn định thêm tình hình tại châu Âu. Giới chức Nga cũng cho rằng việc NATO gia tăng hoạt động quân sự tại châu Âu là “con đường đi không có triển vọng”. Nước Nga không phải là mối đe dọa thực tế đối với các nước thành viên NATO, và khi NATO gia tăng hoạt động, Nga cũng sẽ tiến hành một sự gia tăng tương ứng. Nga tuyên bố sẽ tăng cường tiềm lực quốc phòng nói chung, vũ khí hạt nhân nói riêng nhằm đối phó với sự gia tăng chiến lược răn đe của NATO.
Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã có bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) với thông điệp rõ ràng: Moscow sẵn sàng tiếp tục cuộc đối đầu dai dẳng với phương Tây và chắc chắn sẽ mang lại điều tồi tệ cho các quốc gia này. Thủ tướng Medvedev tuyên bố Nga và phương Tây “đang trượt vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.
Khủng hoảng lòng tin
Các chuyên gia phân tích cho rằng, kế hoạch gia tăng lực lượng NATO ở Đông Âu nói trên là có quy mô lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay. Mục đích tăng cường quân lực về phía Đông của NATO được giải thích bởi sự lo ngại trước các hành động của Nga, đặc biệt, sau khi Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea.
Theo ý kiến của ông Yury Rubinsky - nhà cựu ngoại giao Nga và hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp của Viện châu Âu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga - có một thực tế rằng mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Ông Rubinsky nhận định rằng vấn đề Crime và cuộc khủng hoảng Ukraine là những nguyên nhân cơ bản khiến quan hệ Nga - phương Tây không thể ấm áp trở lại. Còn Giám đốc Trung tâm lợi ích toàn cầu ở Washington - ông Nikolai Zlobin - cho rằng cụm từ “Chiến tranh Lạnh” mà Thủ tướng Medvedev sử dụng có một khái niệm khá rộng và có thể hướng người nghe hình dung ra một lập trường cứng rắn.
Trong năm 2015, NATO đã gia tăng “bất thường” các cuộc tập trận ở khu vực châu Âu, mở đầu là chuỗi các cuộc tập trận ở Đông Âu trong khuôn khổ kế hoạch mang tên “Lá chắn Liên minh” (Allied Shield). Sau đó là hàng loạt cuộc tập trận với Ukraine trên Biển Đen và lãnh thổ phía Tây nước này cùng các cuộc tập trận hải quân ở Địa Trung Hải, Đại Tây Dương, đặc biệt là vùng Biển Baltic. Giới chuyên gia quân sự Nga nhận định, trong chuỗi các cuộc tập trận này, Mỹ và NATO đang xây dựng một “tuyến nghiêng”, đối đầu với Nga ở biên giới phía Tây và phía Nam, chạy suốt từ Biển Baltic tới Biển Đen. Điều này xuất phát từ một cuộc khủng hoảng niềm tin giữa Nga và NATO, đồng thời chính nó lại thúc đẩy cuộc khủng hoảng này ngày càng nghiêm trọng hơn.