Đây là thông tin đáng chú ý nêu ra tại tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020 - 2022 tại các địa phương và kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức chiều 30.11.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực I Vũ Nhật Anh cho biết, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khá phổ biến ở các nước trên thế giới, nhất là nước có nền kinh tế đang chuyển đổi. Việc thành lập và vận hành các quỹ này nhằm tạo ra công cụ tài chính linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực của xã hội phục vụ hoạt động của khu vực công, hỗ trợ đầu tư cho một số lĩnh vực cần khuyến khích, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo ông Vũ Nhật Anh, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước. Nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Mục tiêu của quỹ nhằm huy động nguồn lực trong xã hội để hỗ trợ thêm cho ngân sách trong việc thực hiện các chức năng của Nhà nước.
Tuy vậy, hoạt động của các quỹ này đang đặt ra nhiều vấn đề như thất thoát nguồn lực, không kiểm soát được, không thực sự đánh giá được chính xác tổng thể hiệu quả chi tiêu công của quốc gia.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là một trong nhưng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, mục tiêu nhằm huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và chỉ hỗ trợ cho chương trình, dự án hoặc hoạt động phi dự án liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng đủ yêu cầu đầu tư.
Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai toàn ngành cuộc kiểm toán chuyên đề “việc quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020 - 2022 tại các địa phương” và “việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng”.
Đến nay, các đơn vị có liên quan đã hoàn thành các cuộc kiểm toán hai chuyên đề trên và có nhiều phát hiện nổi bật. Ngoài kiến nghị xử lý về tài chính, kết quả kiểm toán còn chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế, thiếu nhất quán của cơ chế chính sách, gây không ít khó khăn cho các đơn vị được kiểm toán trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tại tọa đàm, đại diện các đơn vị đã trao đổi, đánh giá về các kết quả đạt được trong hai cuộc kiểm toán chuyên đề; chỉ rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân; đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện công tác quản lý và sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp Trung ương và địa phương.
Các đại biểu cũng chia sẻ về việc áp dụng phương pháp, thủ tục kiểm toán; việc viện dẫn cơ sở pháp lý cho các kết quả kiểm toán, thu thập, lưu giữ các bằng chứng kiểm toán; việc tổng hợp kiến nghị kiểm toán, lập và phát hành báo cáo kiểm toán, góp phần nâng cao hiệu quả của các cuộc kiểm toán chuyên đề có liên quan.