Còn nhiều dư địa để phát triển
Đối với công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, những năm qua đã có nhiều chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng đang được triển khai mạnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam như Thaco, Hyundai Thành Công, VinFast… đang mở rộng đầu tư sản xuất ở quy mô lớn.
Thống kê cho thấy, năm 2023 Việt Nam xuất khẩu tới 3,09 tỷ USD linh kiện phụ tùng ô tô ra nước ngoài, nhiều nhất là tới các thị trường Nhật Bản và Mỹ; trong đó, riêng nhóm linh kiện về dây điện đạt khoảng 1,17 tỷ USD, chiếm 38% giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô và đứng thứ 3 thế giới. Sản phẩm dây điện của doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư lắp ráp ô tô toàn cầu.
Theo đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đánh giá ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển. Tỷ lệ tổng giá trị sản phẩm công nghiệp ô tô đã tăng nhanh trong những năm gần đây, từ mức 12% vào năm 2018 lên 25% vào năm 2023. Xu thế của các doanh nghiệp là gia tăng giá trị sản phẩm; thay vì tập trung vào linh kiện phụ tùng riêng lẻ, doanh nghiệp đã tập trung sản xuất cụm linh kiện, bắt đầu sản xuất thiết bị gốc (OEM) và hướng tới sản xuất thương hiệu gốc (OBM).
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sau 6 năm thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg về công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu đạt 45% trở lên cho nhu cầu sản xuất nội địa, linh kiện xe máy đáp ứng được 85-90%, linh kiện sản xuất ôtô là 15-40% (tùy chủng loại xe); 40-60% máy nông nghiệp; dệt may, da giày là 40-45%. Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp như công nghệ cao mới đáp ứng được 10%.
Chuyển đổi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dựa trên 3 động lực
Nhằm quyết tâm thúc đẩy ngành ô tô Việt Nam phát triển Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 589/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025, trong đó có nội dung "Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam".
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, rất nhiều yếu tố, đặc biệt là những yếu tố được nêu ở trên đang tác động mạnh mẽ và tạo áp lực lớn đến ngành sản xuất ô tô trong nước. Bên cạnh đó, ngành sản xuất ô tô còn chịu sự tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và xu thế tiêu dùng.
Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đánh giá, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang ở giai đoạn 1 (giai đoạn duy trì). Hiện, các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất linh phụ kiện có giá trị không cao và ít tính cạnh tranh. Một trong những nguyên nhân chính là do quy mô thị trường và sản xuất ô tô còn nhỏ dẫn đến khó phát triển chuỗi cung ứng.
Hiện nay, sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam chia làm 2 nhánh: những hoạt động có giá trị cao, được thực hiện bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và những thương hiệu lớn trong nước; các hoạt động có giá trị thấp tập trung bởi những doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó nhiều doanh nghiệp đang rơi vào bẫy năng suất thấp. Vì vậy, để phát triển chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ngành sản xuất linh kiện Việt Nam, cần phải chuyển đổi doanh nghiệp toàn diện dựa trên 3 động lực chuyển đổi từ mục đích, quy trình, con người; chuyển đổi số; chuyển đổi xanh.
Theo đại diện VAMA, chiến lược phát triển ngành cần tập trung phát huy nội lực của các thành phần kinh tế trong nước, đồng thời đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới. Ngành công nghiệp ô tô cần phát triển đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông, sản xuất các dòng xe có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng chính sách tiêu dùng, bảo vệ môi trường, và tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng cho chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc gia theo hướng hiện đại hóa.