Theo đó, thuế quan mới này bổ sung cho thuế quan 10% mà châu Âu hiện áp dụng đối với ô tô điện Trung Quốc, và thuế suất cụ thể trong từng trường hợp sẽ tuỳ thuộc vào mức độ tuân thủ của nhà sản xuất đối với cuộc điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện mà EU công bố vào tháng 9 năm ngoái.
Như vậy, tổng thuế suất mà EU áp dụng đối với ô tô điện Trung Quốc sẽ lên tới 48%.
Kế hoạch áp thuế quan mới cho thấy các hãng ô tô điện lớn của Trung Quốc gồm BYD và Geely sẽ bị áp thêm thuế suất dao động từ 17- 20%. Các thương hiệu ô tô châu Âu như Mercedes và Renault xuất khẩu ô tô điện sản xuất ở Trung Quốc sang thị trường châu Âu sẽ bị áp thuế bổ sung 21%. Hãng Tesla của Mỹ “có thể sẽ có một thuế suất được tính riêng”. Đối với những nhà sản xuất được cho là không hợp tác với cuộc điều tra của EU, sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 38% ngoài mức thuế hiện hành 10%.
Chia sẻ với hãng tin Financial Times, Cao Ủy viên phụ trách vấn đề thương mại của EU Valdis Dombrovskis cho biết: “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động trong bối cảnh một làn sóng nhập khẩu ô tô điện có sự trợ cấp mạnh từ Trung Quốc vào châu Âu. Làn sóng ô tô điện nhập khẩu này đặt ngành công nghiệp ô tô điện của châu Âu trước rủi ro tổn thương”.
Ông cho biết thêm, trong 3 tuần từ nay cho tới khi kế hoạch áp thuế mới chính thức có hiệu lực vào ngày 4.7, phía EU sẽ đàm phán với Trung Quốc để tìm ra các biện pháp khác để giải quyết tình trạng này.
Về phần mình, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ quan ngại và không hài lòng với động thái này của EU; đồng thời cũng cảnh báo sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Trung Quốc.
Kế hoạch áp thuế quan lên ô tô điện Trung Quốc dự kiến sẽ mang về hàng tỷ euro mỗi năm cho ngân sách EU, bởi doanh số bán ô tô điện Trung Quốc ở châu Âu đang tăng mạnh. Theo dữ liệu từ công ty Rhodium Group, năm ngoái, Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của EU - xuất khẩu 10 tỷ euro ô tô điện sang thị trường khu vực này.