Đại cử tri bỏ phiếu
Hệ thống bầu Tổng thống Mỹ thực chất là bầu ra các đại cử tri. Và do đó, các đại cử tri sẽ còn một nhiệm vụ nữa, dù chỉ mang tính hình thức là bỏ phiếu bầu tổng thống.
Trước ngày 11.12, các quan chức cấp bang sẽ chuẩn bị giấy chứng nhận, xác định các đại cử tri được bổ nhiệm của một bang.
Theo quy định, tiến trình này diễn ra ít nhất 6 ngày trước cuộc họp của các đại cử tri.
Vào ngày 17.12, các đại cử tri sẽ họp tại bang của họ và bỏ phiếu cho Tổng thống và Phó Tổng thống trên các phiếu riêng biệt. Các lá phiếu này được ghi lại trên giấy chứng nhận và được ghép đôi với các giấy chứng nhận này.
Ở một số bang, về mặt lý thuyết, các đại cử tri có thể bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào họ thích, bất kể các cử tri ủng hộ ai. Nhưng thực tế điều này rất ít khi xảy ra, do đó, cuộc bỏ phiếu của đại cử tri chỉ mang tính hình thức.
Nhưng trên thực tế, các đại cử tri hầu như luôn bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống nhận được nhiều phiếu bầu nhất. Nếu một đại cử tri bỏ phiếu đo ngược lại sự lựa chọn Tổng thống của bang mình thì sẽ bị gọi là "bất trung". Ở một số bang, các đại cử tri "bất trung" có thể bị phạt tiền hoặc bị truy tố.
Sau khi đại cử tri hoàn tất bỏ phiếu, Chủ tịch Thượng viện, hiện là bà Kamala Harris, và Cục trưởng Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) phải nhận các phiếu đại cử tri trước thứ 4 trong tuần thứ tư của tháng 12 và chuyển cho Quốc hội.
Quốc hội xác nhận kết quả
Ngày 3.1.2025, Quốc hội khoá mới (khóa 119) bắt đầu nhóm họp.
Sau khi nhận kết quả bầu cử, Quốc hội có nhiệm vụ xác nhận kết quả bầu cử. Trong phiên họp chung, Phó Tổng thống Kamala Harris, với vai trò Chủ tịch Thượng viện, sẽ chủ trì việc kiểm phiếu và công bố kết quả bỏ phiếu của Cử tri đoàn.
Mọi phản đối về phiếu đại cử tri phải được ít nhất 20% thành viên Hạ viện và 20% thành viên Thượng viện ký.
Tuyên thệ nhậm chức
Nếu kết quả được công nhận, ông Donald Trump và ông JD Vance sẽ lần lượt tuyên thệ nhậm chức Tổng thống và Phó tổng thống.
Chuyển giao quyền lực
Mặc dù thủ tục xác nhận và tuyên thệ nhậm chức kéo dài tới tháng 1 năm sau nhưng quá trình chuyển giao quyền lực có thể tiến hành ngay từ bây giờ.
Tổng thống đắc cử sẽ nhận bản tóm tắt an ninh quốc gia mật "ngay khi có thể" sau khi đắc cử. Ngoài ra, theo quy định của luật pháp, Cục Quản lý Dịch vụ Chung (GSA) cung cấp không gian văn phòng và dịch vụ hỗ trợ cho tổng thống và phó tổng thống đắc cử.
Trong lúc này, đội ngũ của ông Trump và ông JD Vance sẽ tổ chức chuyển giao quyền lực với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Điều này bao gồm việc xác định các ưu tiên chính sách và thẩm tra các ứng cử viên sẽ đảm nhận các vai trò quan trọng trong chính quyền mới.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden ngày 6.11 đã nói chuyện với Tổng thống đắc cử Donald Trump để chúc mừng chiến thắng của ông và mời ông tới Nhà Trắng. Mục đích là để thảo luận về tiến trình chuyển giao tại Nhà Trắng.
Theo đài CNN, nhóm chuyển tiếp của ông Trump vẫn chưa ký các biên bản ghi nhớ (MOU) với Nhà Trắng hoặc Cơ quan quản lý dịch vụ tổng hợp (GSA) để chính thức mở khóa quyền truy cập vào các nguồn lực chuyển tiếp quan trọng.
Theo Đạo luật chuyển giao của Tổng thống, các nhóm chuyển giao phải đồng ý với 2 MOU: một thông qua GSA cung cấp quyền truy cập vào không gian văn phòng, thiết bị và vật tư; văn bản còn lại thông qua Nhà Trắng cung cấp quyền truy cập vào thông tin, nhân viên cơ quan, cơ sở vật chất.
Trong tuyên bố phản hồi, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump khẳng định cuộc họp "sẽ sớm diễn ra".