Chất lượng quy hoạch sẽ ra sao?

- Thứ Ba, 26/01/2021, 05:17 - Chia sẻ
Quy hoạch là việc phân bố, sắp xếp các hoạt động và các yếu tố sản xuất, dịch vụ và đời sống trên một địa bàn lãnh thổ cho một mục đích nhất định trong một thời kỳ trung hạn, dài hạn để cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên lãnh thổ theo thời gian và là cơ sở để lập các kế hoạch phát triển.

Quy hoạch thường được xây dựng dựa trên chiến lược phát triển của một vùng lãnh thổ hay một ngành, một lĩnh vực theo thời gian và là cơ sở để xây dựng các kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn. Việc xây dựng quy hoạch phải dựa trên những ý đồ chiến lược rõ ràng cũng như những tính toán khoa học, hợp lý; những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và việc sử dụng có hiệu quả các yếu tố nguồn lực...

Đã từng có thời điểm, việc quy hoạch xây dựng các nhà máy đường, cảng biển, nhà máy đóng tàu... "rộ" lên theo kiểu phong trào và đương nhiên, những lý do về sự cần thiết được nêu ra cũng không kém phần thuyết phục. Thế nhưng qua thực tiễn, không ít dự án đã "chết yểu". Mới đây nhất, lĩnh vực hàng không lại nhận được sự "quan tâm đặc biệt" của không ít địa phương thông qua đề xuất đề nghị bổ sung cảng hàng không của tỉnh vào quy hoạch. Ninh Bình là một ví dụ. Tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung cảng hàng không tại tỉnh vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay 2021 - 2030, định hướng đến 2050.

Lý do là bởi Ninh Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với truyền thống lịch sử - văn hóa, phong cảnh tự nhiên như Cố đô Hoa Lư, danh thắng Tràng An. Là vì năm 2019, tỉnh đã đón trên 7,6 triệu lượt du khách; vì tỉnh đang tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử, tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài - nhưng khách du lịch nước ngoài và các chuyên gia về Ninh Bình tham quan, công tác và làm việc chủ yếu thông qua sân bay quốc tế Nội Bài...

Những lý do này có thể là hợp lý, vậy nhưng nếu căn cứ vào đó để bổ sung vào quy hoạch một sân bay thì xem ra chưa đủ để thuyết phục. Bởi trước tiên, cho dù mới là đề xuất thì khi xây dựng một sân bay, điều đầu tiên là phải xác định được vùng dân cư, gồm cả diện tích và dân số mà sân bay đó sẽ phục vụ chứ không thể chỉ nêu vài tiềm năng, lợi thế - mà hầu hết các địa phương đều có tiềm năng, lợi thế tương tự.

Một vấn đề nữa cũng đáng để các địa phương "tham vấn" là hiện  nay, phần lớn các sân bay của nước ta đang trong tình trạng thua lỗ, chỉ có 6 sân bay không lỗ và 2 sân bay là Tân Sơn Nhất và Nội Bài có lãi. Trong 22 sân bay do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác, chỉ có 6 sân bay hoạt động có lãi, 16 sân bay còn lại đang bị lỗ; nhiều sân bay có công suất hoạt động rất thấp so với thiết kế, doanh thu không đủ bù chi phí...

Bên cạnh đó, với một mạng lưới sân bay dày đặc, sân bay nọ chỉ cách sân bay kia một vài trăm km như hiện nay thì liệu việc bổ sung vào quy hoạch những sân bay kiểu như của tỉnh Ninh Bình liệu có hợp lý, cho dù đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã từng lý giải việc thời gian gần đây "xuất hiện" nhiều sân bay là theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay trong cả nước năm 2050. Và không có nghĩa cứ có quy hoạch là đầu tư ngay và sân bay để khai thác liên vùng chứ không bay từ tỉnh này sang tỉnh lân cận.

Vậy thì có nên đề xuất bổ sung vào quy hoạch những cảng hàng không với những lý do mà hầu như địa phương nào cũng có, hiệu quả như thế nào cũng chưa rõ ràng hay không? Và quan trọng hơn là chất lượng của quy hoạch sẽ ra sao?

Linh Trang