Công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực
Báo cáo PCI và PGI năm 2023 là ấn phẩm thường niên do VCCI thực hiện nhằm thúc đẩy tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp và thân thiện với môi trường tại Việt Nam. Báo cáo PCI và PGI 2023 được xây dựng từ thông tin phản hồi của 10.676 doanh nghiệp, trong đó có 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Trong bảng xếp hạng PCI năm nay, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu với 71,25 điểm và là năm thứ 7 liên tiếp ở vị trí này. Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023 gồm Quảng Ninh, Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang và Phú Thọ. Hà Nội xếp vị trí 28 trên tổng số top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023 với điểm số đạt 67,15 điểm.
Với Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023, có vị trí cao nhất là Quảng Ninh, tiếp đến lần lượt là Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh…
Nhìn nhận về kết quả khảo sát PCI lần này, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian, với điểm số chỉ số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022.
Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp số hóa đang mang lại hiệu quả thiết thực khi gần 77% doanh nghiệp cho biết đã tiết giảm được thời gian và chi phí từ thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến thay vì theo hình thức truyền thống.
Tuy nhiên, báo cáo PCI và PGI 2023 cũng cho thấy môi trường kinh doanh có một số điểm cần quan tâm. Đó là trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại. Năm vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải, theo khảo sát PCI 2023, bao gồm: tiếp cận vốn (57,1%), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh Covid-19 (25,5%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).
Mức độ lạc quan của doanh nghiệp thấp
Dẫn khảo sát về kế hoạch kinh doanh trong hai năm tới, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) thông tin, mức độ lạc quan của doanh nghiệp ở mức thấp so với những năm trước. Cụ thể, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022. Con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012 - 2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.
Dữ liệu khảo sát còn cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp lên tới 16,2%, cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch Covid-19. Cùng với đó, các doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì mức độ lạc quan càng suy giảm. Các doanh nghiệp phía Bắc lại có sự lạc quan hơn các doanh nghiệp phía Nam.
Cũng theo ông Tuấn, những biến động chính sách, pháp luật là khó khăn cần phải lưu ý. Đầu tiên, con số khảo sát của năm 2023 đã tăng so với năm 2022 (9,5%), làm gián đoạn xu hướng giảm của chỉ tiêu này trong các năm 2018 - 2022. Kế đến, chỉ tiêu này đã tăng khoảng 5,1 điểm phần trăm so với năm trước đó, đây là mức tăng lớn thứ hai trong số các nội dung khảo sát trong năm 2023. Dấu hiệu này có thể là hệ quả của những biến động chính sách trong điều hành thị trường xăng dầu, điện, trái phiếu trong năm vừa qua. Thực tế là niềm tin suy giảm, khảo sát cho thấy nhiều địa phương cho biết đã không còn dám đổi mới, đi đầu. Do đó, ông Tuấn cho rằng, cần phải có những giải pháp hữu hiệu để xốc lại niềm tin của chính quyền các địa phương là điều cần thiết phải làm lúc này.