Chắc chắn phải đợi đến Kỳ họp thứ Tư tới đây, giám sát chuyên đề của UBTVQH về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007- mới chính thức đặt lên bàn nghị sự để QH tiến hành giám sát tối cao. Nhưng ngay từ bây giờ, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền báo cáo kết quả giám sát cũng đã đủ làm nóng Phiên họp lần thứ Mười hai của UBTVQH. Và ngay từ bây giờ cũng đã có thể khẳng định, đây là một giám sát trúng, đúng và khá gai góc của UBTVQH.
CHỦ NHIỆM ỦY BAN TÀI CHÍNH VÀ NGÂN SÁCH PHÙNG QUỐC HIỂN: Chỉnh sửa lại hệ thống cơ chế, chính sách để tránh kéo dài, tránh gây lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản
Chúng tôi đi giám sát các nơi, đặc biệt khi làm việc với các bộ, các ngành, các đơn vị thì đều có một ý kiến chung là chính sách của chúng ta có sự hoàn thiện. Nhưng trên một phương diện nào đó chính sách quá chặt, thậm chí có sự gò bó và thiếu tính chất thông thoáng, chưa tạo điều kiện để phát huy tính năng động, chủ động của các đơn vị đầu tư. Nếu một công trình nhóm A, từ khi xin chủ trương, làm đầy đủ các thủ tục cho đến khi thi công mất gần 4 năm, còn nếu thi công khoảng 5- 7 năm nữa thì một công trình nhóm A phải mất trên dưới 10 năm mới có thể đi vào hoạt động được. Đó là điều phải hết sức suy nghĩ.
Như chúng tôi nắm được thì hiện nay tất cả các chương trình dự án về xây dựng cơ bản dùng nguồn vốn Nhà nước là trên 13.000 dự án, bình quân một dự án khoảng trên 4 tỷ đồng. Một dự án nhóm C, riêng khâu thủ tục, kể từ lúc xin chủ trương đến lúc đi vào thi công mất 2 năm, cộng thêm thi công 2- 3 năm nữa. Với con số 13.000 dự án thì thấy sự lãng phí về thời gian, lãng phí về vốn như thế nào? Cho nên việc chuyển nguồn hàng năm, từ năm nọ sang năm kia do không giải ngân được, mỗi năm từ 50.000 - 70.000 tỷ đồng cũng là một điều dễ hiểu. Đây là do cơ chế chính sách như vậy.
Cho nên, phải chăng Báo cáo giám sát của UBTVQH phải nêu lên rất rõ là; cơ chế làm cho tình hình trở nên khó khăn hơn khi triển khai các dự án. Vấn đề đặt ra là phải chỉnh sửa lại hệ thống cơ chế, chính sách từ luật cho đến những nghị định, thông tư hướng dẫn về vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản để bảo đảm đồng bộ và tránh đi được rườm rà, tránh kéo dài, gây lãng phí như trong thời gian vừa qua.
TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN TRẦN THẾ VƯỢNG: Cứ nói xong rồi đâu lại vào đấy
UBTVQH giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng cơ bản trong 3 năm: 2005, 2006 và năm 2007. Nhưng tuyệt đại đa số các văn bản của Chính phủ (từ nghị định cho đến quyết định của Thủ tướng, Thông tư của bộ) thì đều tập trung ban hành vào cuối năm 2006, đầu năm 2007 và cá biệt đầu năm 2008 mới ban hành. Một câu hỏi đặt ra là: chấp hành pháp luật nào để tiến hành những hoạt động xây dựng cơ bản trong khi chưa có văn bản? Ví dụ, Chính phủ đánh giá là đã kịp thời chỉ đạo Bộ Xây dựng ra các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... nhưng vấn đề cuối cùng là việc ban hành văn bản có kịp thời không? Bởi vì nhiều luật Quốc hội ban hành nhưng hầu hết phải chậm đến 5, 7 tháng, cá biệt có khi đến cả năm Chính phủ mới ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Tình trạng ban hành văn bản chậm là một tình trạng rất phổ biến. Ở Khóa XI, QH cũng đã có một chuyên đề giám sát về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Và khi đó QH cũng đã đưa ra được rất nhiều giải pháp. Nhưng không biết những giải pháp của Quốc hội trong việc khắc phục tình trạng ban hành văn bản chậm, không phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn- thì bây giờ tình hình đó như thế nào?
Hay nên chăng cần kiểm điểm, đánh giá lại xem những giải pháp mà QH và UBTVQH đề ra như vậy có thực tế không? Có một chuyện là Chính phủ và các Bộ rà soát, có kế hoạch cụ thể về việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, và định kỳ có báo cáo...- nhưng tôi thấy cứ nói vậy thôi nhưng cũng không ai để ý, không quan tâm thành ra cứ nói xong rồi thì đâu lại vào đấy. Tôi nghĩ, có lẽ là phải làm rõ nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc ban hành văn bản, bởi vì nếu không có văn bản hướng dẫn thì như chúng ta đã khẳng định là luật có ban hành cũng không có tác dụng, không thể đi vào cuộc sống được.
PHÓ TỔNG THANH TRA CHÍNH PHỦ MAI QUỐC BÌNH: Thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản- không lẽ cứ nói mãi
Xung quanh thủ tục hành chính liên quan đến công tác đầu tư xây dựng cơ bản, nếu không lầm thì chúng ta nghe quá nhiều lần. Không lẽ mình cứ nói mãi? Tôi đề nghị nên thiết kế một bộ phận để đi vào mổ xẻ một cách chính xác, một cách thực tế để trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến. Nếu làm được như thế, tôi cho là một sự dũng cảm, còn nếu không làm được thì chúng ta bất lực một cách vô hình, ngành này đổ cho ngành kia, bộ này đổ cho bộ kia.
Vì vậy tôi kiến nghị là nên giao hay có một bộ phận nào đó, cần thiết giao cho Bộ Tư pháp hay kể cả giao cho Thanh tra Chính phủ, chúng tôi sẵn sàng thực hiện một chuyên đề để bóc tách hết những vấn đề hiện nay đang nóng (về thủ tục hành chính liên quan đến công tác đầu tư xây dựng cơ bản) trình trước Quốc hội. Tôi mong muốn trong báo cáo giám sát trình Quốc hội tới đây, UBTVQH nên đặt thẳng vấn đề, phải tạo một sự chuyển biến, như một tiếng vang, một tiếng trống để chúng ta đi vào thực hiện thể chế hành chính về luật pháp. Bây giờ đọc để nhớ những đầu tên của các văn bản thôi thì đã nhớ không nổi rồi, chứ đi vào đó còn chồng chéo, vướng và nó kéo cho nhau khủng khiếp lắm.
Chúng tôi muốn tăng cường thêm sự giám sát của Quốc hội. Chúng tôi sẵn sàng theo Quốc hội để đi vào giám sát từng vấn đề mang tính chuyên đề, mang tính cụ thể, kể cả những lĩnh vực đột xuất để qua đó giúp cho nhận xét, đánh giá của Quốc hội chất lượng và đi đến nhanh chóng khắc phục được tồn tại yếu kém mà lâu nay chúng ta nói mãi. Chúng tôi muốn để gắn kết, phối hợp sát, hiệu quả chứ không phải là gắn kết hình thức.
Quyết định đầu tư chủ yếu vẫn chạy theo số lượng mà chưa tính đến khả năng bố trí nguồn vốn, chưa chú trọng đúng mức đến hiệu quả đầu tư. Mặc dù các tỉnh đều có chủ trương bố trí nguồn vốn tập trung nhưng thực trạng đầu tư dàn trải vẫn phổ biến ở nhiều địa phương. Nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản của các tỉnh đều rất lớn, vì cơ sở hạ tầng của các địa phương đều thiếu, yếu. Ở nhiều nơi, kế hoạch bố trí vốn chỉ đáp ứng được từ một phần ba đến một phần hai dự toán được duyệt nên phải kéo dài thời gian đầu tư. Vẫn còn có sai sót trong việc ban hành quyết định đầu tư như: quyết định đầu tư sai mục đích, vượt thẩm quyền, không phù hợp với thực tế, gây thất thoát lãng phí. ___________ Cần khẩn trương ban hành đầy đủ các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật; tiến hành rà soát tổng thể các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước. Từng bước nâng cao chất lượng công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật phù hợp với thực tế, ổn định trong thời gian dài; nghiên cứu, sớm ban hành quy định về quản lý, kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn nhà nước của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Đồng thời quy định đầy đủ các loại hành vi vi phạm có thể xảy ra cũng như trách nhiệm của các đối tượng tham gia hoạt động xây dựng với các chế tài xử lý phù hợp, bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm. ___________ Rà soát lại, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật về xây dựng, đấu thầu, đất đai, ngân sách nhà nước... để bảo đảm sự thống nhất, khắc phục vướng mắc hoặc mâu thuẫn giữa một số nội dung trong các bộ luật. Ví dụ, sửa đổi một số quy định có liên quan đến vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong Luật Ngân sách nhà nước. Trong trường hợp này cần sửa theo hướng cho phép các tỉnh nghèo được nâng mức huy động để bảo đảm nguồn lực đầu tư; sửa đổi quy định đầu tư từ nguồn thu xuất nhập khẩu để xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khắc phục tình trạng địa phương chạy theo công trình, dự án, xây nhiều cảng để có nguồn thu... Đề nghị QH sớm ban hành các Luật Đầu tư công (hoặc đưa nội dung về đầu tư công vào một luật khác có liên quan), Luật Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật chung về quy hoạch. Đoàn giám sát của UBTVQH |