Quyết định 60 ngày
Trong tuyên bố được truyền hình trực tiếp nói trên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người từng cam kết rằng Thỏa thuận hạt nhân 2015 mang tính bước ngoặt sẽ đưa Iran đến gần phương Tây hơn, đã cho thấy lập trường cứng rắn thay vì gây áp lực với châu Âu để bảo vệ Tehran khỏi sức ép của Mỹ. Thời gian qua, chiến dịch trừng phạt của Nhà Trắng đã khiến nền kinh tế Iran gặp khó khăn khi ngăn chặn việc bán dầu của quốc gia Hồi giáo này trên thị trường toàn cầu. Nó tạo thêm áp lực không chỉ đối với chính quyền mà cả 80 triệu dân Iran. Gần đây nhất, ông Trump đã ban hành sắc lệnh trong đó đưa các lệnh trừng phạt mới nhắm vào ngành thép, nhôm, đồng và sắt của Iran, vốn là những lĩnh vực đem lại phần lớn thu nhập ngoại tệ cho Tehran.
Trước đó, Tổng thống Iran Rouhani đã phát biểu, “chúng tôi cảm thấy, thỏa thuận hạt nhân cần một cuộc “phẫu thuật”, vì “thuốc giảm đau” của năm ngoái đã không hiệu quả”. Ông nhấn mạnh thêm, “ca phẫu thuật đó là để cứu thỏa thuận, chứ không phải phá hủy nó”. Hôm thứ Tư vừa qua, Iran đã ngừng bán uranium dư thừa và nước nặng như bước đi đầu tiên theo yêu cầu theo thỏa thuận. Tuần trước, Mỹ chấm dứt thỏa thuận cho phép Iran trao đổi uranium đã làm giàu của mình với uranium bánh vàng chưa tinh chế với Nga và thỏa thuận bán nước nặng, được sử dụng làm chất làm mát trong các lò phản ứng hạt nhân cho Oman.
Trong 60 ngày, nếu không có thỏa thuận mới, Iran sẽ tăng cường làm giàu uranium vượt mức 3,67% cho phép của thỏa thuận. Đây là tỷ lệ có thể cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân thương mại. Mặc dù ông Rouhani không nói Iran sẽ sẵn sàng làm giàu uranium đến mức nào, nhưng người đứng đầu chương trình hạt nhân một lần nữa nhắc lại họ có thể đạt mức làm giàu 20% chỉ trong vòng 4 ngày.
Theo các nhà khoa học, khi một nước nào đó có thể làm giàu uranium lên khoảng 20%, thời gian cần thiết để đạt ngưỡng 90% đối với uranium cấp vũ khí sẽ giảm một nửa. Lâu nay, Iran luôn duy trì chương trình hạt nhân của mình vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, báo tiếng Anh của Đài Truyền hình nhà nước Iran PressTV trích dẫn các nguồn tin thân cận với Tổng thống cho biết, nước này sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân nếu châu Âu tìm cách trừng phạt Iran tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Nhà lãnh đạo Iran tuyên bố, nếu 60 ngày trôi qua mà các cường quốc không có hành động tích cực gì, Iran sẽ dừng nỗ lực mà Trung Quốc đang dẫn đầu nhằm thiết kế lại lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak của Tehran. Các lò phản ứng như vậy sản xuất được plutonium, vốn có thể được sử dụng trong vũ khí hạt nhân. Iran đã thông báo cho Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức về quyết định đó. Đây chính là các cường quốc tham gia ký kết Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và hiện giờ vẫn tiếp tục ủng hộ nó.
Tổng thống Rouhani cam kết, “nếu năm quốc gia trên tham gia đàm phán và giúp Iran đạt được lợi ích của mình trong lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng, Tehran sẽ quay trở lại các cam kết của mình theo Thỏa thuận hạt nhân năm 2015”.
Nguy cơ căng thẳng leo thang
Phản ứng trước động thái mới nhất của Iran, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington “sẽ chờ đợi và quan sát” những gì Tehran thực hiện tiếp theo. Châu Âu chắc chắn cũng sẽ lo lắng bởi Iran đang hợp tác chặt chẽ với Lục địa già trong nhiều vấn đề quan trọng như triệt phá các ổ thuốc phiện ở Afghanistan cũng như nỗ lực chấm dứt hoạt động buôn bán cần sa và kiểm soát nhập cư. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt gọi việc Iran đe dọa tiếp tục làm giàu uranium ở cấp độ cao hơn là “bước không mong muốn”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tỏ ra bi quan hơn nhiều. “Không có gì tồi tệ hơn việc Iran rời bỏ thỏa thuận”, ông nói.
Theo Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran được phép dự trữ một lượng hạn chế urani làm giàu (300kg) và nước nặng, trong khi phần vượt quá quy định phải đưa ra nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu đã trở nên cực kỳ khó khăn sau khi Mỹ không cho phép Iran xuất khẩu số dư thừa, khiến nước này rơi vào tình thế buộc phải ngừng làm giàu urani hoặc phải phớt lờ quy định về số lượng urani và nước nặng đang tích trữ. Nguyên nhân là tháng 5 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do thỏa thuận đó chỉ dọn đường cho nhà nước Hồi giáo tiến tới sản xuất bom hạt nhân.
Sau đó, quan hệ Mỹ - Iran ngày càng trở nên căng thẳng và đặc biệt leo thang gần đây. Hôm 5.5, chính quyền Mỹ cho biết có nguồn tin tình báo đáng tin cậy nói rằng Iran và các tổ chức mà họ hậu thuẫn ở Trung Đông có thể tấn công binh sĩ Mỹ ở Iraq và Syria hoặc sử dụng thiết bị không người lái chống người Mỹ ở Yemen. Ngay lập tức, Mỹ đã điều tàu sân bay và máy bay ném bom tới khu vực Trung Đông để đối phó.
Vì vậy, với tuyên bố mới nhất của Tổng thống Rouhani, các nhà quan sát nhận định, tình hình nguy hiểm này rất dễ vượt tầm kiểm soát nếu cả Mỹ và Iran không xử lý khôn khéo. Tháng trước, Washington đã đẩy quan hệ với Tehran xuống mức xấu mới khi liệt Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đáp lại, Iran cũng coi lực lượng quân đội Mỹ tại Trung Đông là khủng bố.
Việc “ăn miếng, trả miếng” như vậy có thể khiến thế bế tắc hiện nay tiếp diễn. Dẫu vậy, thế giới vẫn hy vọng, viễn cảnh leo thang quân sự nghiêm trọng sẽ không xảy ra.