Nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế
Đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện pháp luật về thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế.
Để thống nhất với pháp luật quản lý thuế và luật hóa nội dung quy định tại văn bản dưới luật, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về người nộp thuế (Điều 4) gồm: tổ chức, hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT); tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế GTGT; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam…
Cơ bản tán thành với quy định này, song ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị, cần xác định rõ ràng tư cách pháp lý của người nộp thuế là cá nhân và pháp nhân vì tổ chức nộp thuế phải là pháp nhân như công ty, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân.
“Tổ chức không có tư cách pháp nhân hoặc là đơn vị phụ thuộc pháp nhân chịu trách nhiệm về tư cách cá nhân như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình theo quy định tại Điều 101 về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân và điều khác của Bộ Luật Dân sự năm 2015, Điều 188 về doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các quy định liên quan của pháp luật", đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu rõ.
Sửa đổi đối tượng không chịu thuế bảo đảm minh bạch, dễ thực hiện
Về đối tượng không chịu thuế GTGT, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đối tượng không chịu thuế và nhiều nội dung sửa đổi nhằm bảo đảm nhất quán các thuật ngữ, khái niệm quy định tại các luật chuyên ngành như Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Các tổ chức tín dụng,... là phù hợp, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh các trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì hiện còn một số trường hợp khác như các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hợp tác xã... Chính vì vậy, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị, cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ hơn cơ sở pháp lý và đánh giá tác động đối với việc xác định các trường hợp đã được quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP mà không được tiếp tục cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào và đầu ra không phải tính thuế GTGT như dự thảo Luật xác định.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị, làm rõ cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh khi mua các sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi… như quy định thì có thuộc đối tượng không chịu thuế không? Đồng thời, làm rõ cơ sở pháp lý tại sao các đối tượng này khi mua các sản phẩm theo quy định tại khoản 1 không phải tính, nộp thuế GTGT nhưng lại được khấu trừ thuế GTGT đầu vào?
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại Hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.