Đó là ý kiến của các ĐBQH tại Tổ 17 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Cao Bằng, Gia Lai và An Giang) khi góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT trong phiên thảo luận chiều 24.10.
Cho ý kiến với dự án Luật, các đại biểu đánh giá cao kết quả thực thi Luật BHYT sau 15 năm. Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia BHYT, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, an sinh xã hội và hội nhập quốc tế…
Các đại biểu cũng đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung. Các điều, khoản được sửa đổi bám sát với 4 chính sách đã được thông qua tại đề nghị xây dựng Luật.
Đối với những quy định được mở rộng hơn so với đề nghị xây dựng Luật, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, rà soát để hạn chế tối đa những nội dung còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau làm ảnh hưởng đến tiến độ thông qua dự án Luật. Đồng thời, rà soát về văn phong, kỹ thuật soạn thảo văn bản để bảo đảm các quy định của dự thảo Luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, đúng thể thức theo quy định; hạn chế việc quy định trong Luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành…
Liên quan đến đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng và phương thức đóng bảo hiểm y tế (Điều 12, 13 và Điều 15 sửa đổi, bổ sung), một số ý kiến cho rằng, Chính phủ và Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát để bảo đảm thể hiện đầy đủ đối tượng đang tham gia theo quy định tại các văn bản pháp luật khác được thể hiện đầy đủ ở Điều 12 tại lần sửa đổi này; tiếp tục rà soát, đối chiếu kỹ lưỡng để không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ BHYT so với quy định hiện hành, không phát sinh bất công bằng giữa các đối tượng tham gia; rà soát cả các quy định liên quan đến BHYT trong các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị, cần bổ sung đối tượng người dân xã an toàn khu; vùng ATKđược hưởng chính sách hỗ trợ về BHYT trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm theo các chính sách hiện hành. Đồng thời, nghiên cứu thêm đối tượng nạn nhân của vật liệu nổ, bom mìn do chiến tranh để được hỗ trợ; đối tượng là người cao tuổi từ 65 đến dưới 75 cũng cần được nghiên cứu để bổ sung cho phù hợp…
ĐBQH tỉnh Hoàng Hữu Chiến (An Giang) thì đề nghị cần bổ sung đối tượng thân nhân của học viên đi đào tạo tại nước ngoài được hỗ trợ BHYT vào dự thảo Luật để các học viên yên tâm học tập và sau đó quay trở về cống hiến cho đất nước.
Tương tự, việc bổ sung đối tượng thân nhân của dân quân thường trực được hỗ trợ BHYT cũng nhận được sự tán thành của đại biểu Hoàng Hữu Chiến và đại biểu Chau Chắc (An Giang). Bởi, dân quân thường trực có số lượng không nhiều lại được bố trí ở địa bàn trọng điểm, phức tạp, phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Do đó, việc bổ sung sẽ là nguồn động viên cho lực lượng dân quân thường trực yên tâm công tác, nhất là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Còn theo ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang), quá trình Đoàn ĐBQH tỉnh TXCT đã tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh những vấn đề vướng mắc. Trong đó, có đối tượng tham gia BHYT là học sinh, sinh viên. Đại biểu đề nghị, Chính phủ nghiên cứu phương án tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng này thay vì quy định cho phép lựa chọn phương thức đóng để giảm chi phí của gia đình tại Điều 13. Bên cạnh đó, cần rà soát, quy định về phương thức đóng bảo hiểm y tế với một số đối tượng mới được bổ sung cho phù hợp thực tiễn tại Điều 15.
Liên quan đến quy định tại Khoản 9, Điều 1 về nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ, đại biểu cho rằng, cần mở rộng thêm đối tượng và giao chính phủ quy định cụ thể, bổ sung đối tượng “hộ gia đình vừa mới thoát nghèo” để hỗ trợ họ. Bởi thực tế, đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và dễ bị tái nghèo…
Về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế (Điều 2, Điều 49 sửa đổi, bổ sung), ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cho rằng, việc bổ sung quy định làm rõ khái niệm “chậm đóng”, “trốn đóng” và cụ thể hóa chế tài xử lý là cần thiết. Tuy nhiên, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng và lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động; việc vận dụng quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội cần được tính toán kỹ và điều chỉnh phù hợp với lĩnh vực BHYT.
Theo đại biểu việc chậm đóng, trốn đóng BHYT phải được quy định và xử lý giống BHXH; tương thích với quy định của Bộ Luật Hình sự nhưng không hình sự hoá các hành vi trốn đóng hàng loạt vì có rất nhiều lí do đôi khi là do nguyên nhân khách quan. Việc chuyển từ "chậm đóng" sang "trốn đóng" diễn biến rất nhanh. Do đó, cần có sự nhắc nhở nếu chuyển sang cố ý thì xử lý hình sự...