Đặc biệt coi trọng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ
Sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập thể chế dân chủ cộng hòa. Là linh hồn của Nhà nước dân chủ đầu tiên ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ nâng cao đạo đức cách mạng, xây dựng nhà nước công bộc của dân, thường xuyên cảnh báo về sự tha hóa quyền lực trong bộ máy nhà nước - nhất là đối với chính quyền địa phương các cấp.
Khi thì bằng thư từ, bài báo, lúc thì nói chuyện trực tiếp, Người nghiêm khắc phê bình,chỉ rõ những khuyết điểm cần kiên quyết tẩy sạch; nhắc nhở cán bộ sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, phải tự mình kiểm điểm, tự phê bình, tự chỉ trích xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi... Một trong số đó là bài báo nhan đề “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, bút danh L.T. đăng trên chuyên mục “Sửa đổi lối làm việc” của Báo Sự thật,số 109 ngày 15.4.1949, cách đây 75 năm vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại, vì:
- Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền,
- Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền,
- Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy,
- Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.
Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình”.
Theo Người, khuyết điểm cũng như một chứng bệnh, coi bệnh như một kẻ địch; kẻ địch bên trong là đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Có khuyết điểm nhưng sợ phê bình như “ốm mà sợ thuốc”, chẳng khác nào đồng lõa với kẻ địch.Vì vậy,“Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền, thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết”.“Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của Nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm, thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì oai tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao”. Phương pháp phê bình hiệu quả là “Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”.
Bài báo viện dẫn thực tế, chỉ rõ địa chỉ cụ thể và nghiêm khắc phê bình cán bộ lợi dụng việc tổ chức hội nghị để tiêu xài hoang phí những đồng tiền mồ hôi nước mắt của đồng bào - Một thực tế không phải hiếm thấy vừa qua ở các địa phương với những khoản tiền khen thưởng, quà tặng xa xỉ không theo quy định của pháp luật trong các dịp đại hội, hội nghị...
Liên hệ mật thiết, lắng nghe ý kiến người dân
Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoạt động giám sát quyền lực của HĐND các cấp đã có những đổi mới và chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND. Đã có nhiều cuộc giám sát của cơ quan dân cử đạt hiệu quả thiết thực, không những phát hiện, “chẩn đoán đúng bệnh”, chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực thi pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương; mà còn “chẩn đúng bệnh", "kê đúng đơn”, giúp cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giám sát thấy rõ những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục, sửa chữa, làm tròn trách nhiệm được Nhân dân ủy thác, giao cho. Qua đó, góp phần quan trọng bảo đảm kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, phòng, chống tội phạm; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhà nước và của Nhân dân.
Tuy vậy, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND một số địa phương thời gian qua vẫn chưa đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Nội dung, số lượng cuộc giám sát hàng năm không nhiều, chưa bám sát, theo dõi,đôn đốcđi đến cùng các kết luận, kiến nghị sau giám sát, các vấn đề “gai góc” nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Vẫn còn tình trạng né tránh, ngại khó, ngại va chạm, “được chăng hay chớ”, “dĩ hòa vi quý” trong hoạt động giám sát. Có những nơi, nhiều nhiệm kỳ liền chưa tổ chức được cuộc giám sát nào đối với các hoạt động của các cơ quan trong ngành tư pháp địa phương, cơ quan điều tra phòng chống tội phạm; thi hành án, tạm giữ, tạm giam; bảo vệ, hỗ trợ tư pháp... - những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các quy định pháp luật, bảo vệ quyền của công dân theo Hiến định, bảo tính công bằng trong xử lý các vụ việc pháp lý và tạo điều kiện cho sự phát triển minh bạch, bền vững của Nhà nước pháp quyền.
Cử tri và Nhân dân kỳ vọng HĐND các cấp sát thực tiễn, gần dân hơn nữa, thường xuyên liên hệ mật thiết và lắng nghe ý kiến của người dân, của dư luận xã hội để nghiên cứu, đánh giá tình hình đầy đủ, khách quan và đưa ra những “liều thuốc" hữu hiệu trong hoạt động giám sát quyền lực.