Năng lực cạnh tranh thấp
Theo Bộ Công Thương, ngành thép đã đạt được những thành công nhất định. Hiện sản xuất thép của Việt Nam đứng vị trí 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Tuy nhiên, ngành thép vẫn còn nhiều hạn chế.
Đầu tiên về mặt công nghệ, ngoại trừ một số khu liên hợp gang thép mới hình thành thời gian gần đây có công nghệ khép kín từ thượng nguồn có công suất thuộc nhóm trung bình cao của thế giới như Khu liên hợp gang thép Hưng Nghiệp Fomosa, Dung Quất… thì hầu hết đều có quy mô nhỏ (dưới 0,5 triệu tấn/năm), sử dụng công nghệ không khép kín, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng nên khả năng cạnh tranh thấp và gây ô nhiễm môi trường. Về nguyên liệu, ngành thép còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến tình trạng bị động về giá, khi giá nguyên liệu đầu vào biến động thì giá thép trong nước cũng phải điều chỉnh theo.
Bên cạnh đó, năng lực sản xuất và chủng loại sản phẩm còn hạn chế. Cơ cấu nguyên liệu phục vụ sản xuất có 42% thép được sản xuất từ nguyên liệu là thép phế (chủ yếu là nhập khẩu) và 58% được sản xuất từ lò cao, sử dụng nguyên liệu là quặng sắt. Thép cuộn cán nóng (HRC) chỉ sản xuất được 8 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu là 10 triệu tấn…
Do nhà máy công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và nguy cơ về môi trường, chất lượng thép không chiếm ưu thế so với sản phẩm thép nhập khẩu, nhất là thép chế tạo nên năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam còn khá thấp. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cạnh tranh lẫn nhau, chứ xuất khẩu còn rất hạn chế.
Các chuyên gia cho rằng, ngành thép chưa có định hướng phát triển thực sự tốt trong thời gian qua. Mặc dù là quốc gia sản xuất thép lớn trên thế giới, sản lượng tương đối cao, song ngành thép nước ta vẫn làm ở khâu hạ nguồn; đồng thời, chỉ tập trung sản xuất một số sản phẩm thép chất lượng trung bình, chưa sản xuất được nhiều thép chất lượng cao; phát triển chưa cân đối.
Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2024, thị trường thép trong nước đối diện với áp lực giảm giá liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu xây dựng nội địa yếu và cạnh tranh lớn từ thép nhập khẩu Trung Quốc với mức giá thấp hơn. Giá thép thế giới hồi phục đã phần nào làm giảm bớt áp lực lên các nhà sản xuất thép trong nước khi lượng tồn kho vào cuối quý II còn khá lớn. Tính đến cuối tháng 6.2024, tổng giá trị tồn kho của ngành thép trên sàn chứng khoán ước tính vào khoảng 75.000 tỷ đồng.
Phát triển các sản phẩm thép theo hướng xanh
Để tháo gỡ những điểm nghẽn cho ngành thép trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, Việt Nam cần có các định hướng chính sách để phát triển mạnh ngành luyện kim, vật liệu, đặc biệt là các loại thép chế biến chế tạo.
Cụ thể, cần phát triển thêm các khu liên hợp gang thép có quy mô lớn với cơ cấu sản phẩm đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm thép phục vụ công nghiệp chế biến chế tạo. Tập trung khuyến khích sản xuất thép hợp kim và đặc biệt phục vụ ngành cơ khí, chế tạo máy. Xây dựng chiến lược phát triển ngành thép theo hướng thu hút đầu tư các liên hợp thép lớn nhằm sản xuất các chủng loại sản phẩm thép đa dạng, đặc biệt tập trung thép ứng dụng trong ngành chế biến, chế tạo, cơ khí, ô tô.
Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỷ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỷ USD; thiết bị tiêu chuẩn là 10 tỷ USD; giao thông đường sắt là 35 tỷ USD; tàu điện ngầm là 10 tỷ USD và ô tô là 120 tỷ USD. Đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.
Hiện nay Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 nhằm định hướng giúp các cơ quan nhà nước và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để điều hành sự phát triển của ngành. Chiến lược sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, cũng như chiến lược phát triển sản phẩm, đầu tư phát triển doanh nghiệp hài hòa với sự phát triển của ngành. Đồng thời, chiến lược vạch rõ mục tiêu là phát triển các sản phẩm thép theo hướng xanh và tiết kiệm năng lượng; tăng thị phần thép sản xuất trong nước nhằm từng bước thay thế sản phẩm nhập khẩu; định hướng về công nghệ sản xuất và phát triển nguồn nguyên liệu ngành thép…